Lập nghiệp bằng nghị lực phi thường

NGUYỄN CHUẨN 27/07/2024 04:35

Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh với đặc thù là một doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật.

>> Câu chuyện vượt khó của nữ doanh nhân cựu chiến binh ở Pleiku

Chiến tranh đã khép lại nhiều năm, bao người lính đã nằm xuống và có những người trở về cùng những vết thương ngang dọc, nhưng với phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, họ lại tiếp tục là những chiến binh trên mặt trận kinh tế. 

DĐDN đã có buổi trò chuyện cùng doanh nhân, cựu chiến binh, anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc xí nghiệp thương binh Quang Minh, một người lính trở về từ chiến trường với tỷ lệ thương tật lên tới 81%.

- Trở về từ cuộc chiến tranh với những vết thương ngang dọc, đâu là lý do thôi thúc ông, một người lính trở thành doanh nhân?

Khi chiến tranh xảy ra, lý tưởng của chúng tôi lúc ấy đơn giản lắm, chỉ là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi ấy, được cầm súng ra chiến trường là niềm hạnh phúc. Chúng tôi chỉ có một ước ao đó là hòa bình sớm được lập lại để đất nước được bình yên, để chúng tôi trở về với cuộc sống thường ngày, để mọi người được sống trong ấm no, để những đàn em thơ được cắp sách đến trường.

Chính vì vậy, khi may mắn trở về từ chiến trường, nơi bao đồng đội mãi mãi nằm lại, dù thương tật của tôi ở mức rất ít người có thể sống tiếp, lên tới 81%, và có chế độ chăm sóc đặc biệt của Nhà nước, nhưng cá nhân tôi nghĩ, nếu mình đã may mắn được sống thì nhất định phải có trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh. Và điều đó khiến tôi tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận mới, mặt trận kinh tế.

Ngày 5/6/1996, tôi đã quy tập một số anh em thương binh thành lập ra Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh với số vốn ban đầu là 250 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, chất đốt. Đây là mô hình doanh nghiệp đầu tiên đón nhận chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho thương, bệnh binh.

Xí nghiệp chúng tôi hoạt động theo mô hình Hợp tác xã và là đơn vị thuộc diện chính sách xã hội. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay tổng số vốn của xí nghiệp tăng lên hơn 925 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động, có những thời điểm lên tới hơn 300 lao động, trong đó 45% là thương binh, còn lại là con em gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ và người khuyết tật. Hiện tại, Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh kinh doanh đa ngành nghề, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải, kinh doanh thương mại dịch vụ, kho bãi và sửa chữa bảo dưỡng máy móc.

- Trong hành trình tìm hướng đi cho mình và các đồng đội khi trở về cuộc sống đời thường, điều ông trăn trở nhất là gì, thưa ông?

Khi trở về từ chiến trường, tôi chỉ có một ý nghĩ rất đơn giản. Khi đất nước còn chiến tranh, chúng tôi chiến đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của hậu phương trong đó có gia đình tôi. Còn khi làm doanh nghiệp, ngoài danh dự của một người lính không được phép gục ngã thì sau lưng và bên cạnh tôi là các đồng đội cũng đang cùng tôi làm việc và sau mỗi đồng đội là một gia đình.

Tôi còn sống và có được những thành quả ngày hôm nay là nhờ biết bao đồng đội đã không tiếc thân mình hy sinh, che chở cho tôi. Cho nên, nếu còn một phần sức lực nào tôi cũng sẽ không ngừng cống hiến, chung lưng đấu cật để giúp cho cuộc sống của anh em được tốt hơn. Và đó chính là động lực, lý tưởng và quyết tâm của tôi khi vận hành doanh nghiệp.

 Xí nghiệp thương binh Quang Minh và cá nhân đồng chí Trần Hồng Quảng- Tổng giám đốc Xí nghiệp vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Xí nghiệp thương binh Quang Minh và cá nhân đồng chí Trần Hồng Quảng- Tổng giám đốc Xí nghiệp vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Điều tôi luôn trăn trở là khi trở về từ chiến trường, những đồng đội và con em đồng đội của tôi còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế hệ chúng tôi, thế hệ sống trong bom đạn và chiến tranh, nhiều người là chiến sỹ anh dũng và gan dạ trên chiến trường, nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường một số người đã gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đã khiến tôi suy nghĩ và bắt tay vào việc thành lập doanh nghiệp để có thể hỗ trợ phần nào những đồng đội tôi và con em của họ.

Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh với đặc thù là một doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Chúng tôi vẫn luôn phải chú trọng đến việc tìm ra hướng đi phù hợp khả năng, trình độ, sức khỏe và thị trường, để phát triển và bảo toàn vốn.

- Bí quyết giúp ông và những đồng đội có thể thành công trên “mặt trận” kinh tế?

Trên thực tế, chúng tôi chẳng có bí quyết gì cả. Với những phẩm chất của người lính “bộ đội cụ Hồ”, chỉ đơn giản là đã làm là phải làm tới, đã ra trận thì phải chiến thắng. Khi được các anh em gọi là “thủ trưởng” thì phải trách nhiệm và xứng đáng với niềm tin đó của đồng đội.

Trên mặt trận nào cũng vậy, sai lầm là cái giá phải trả rất đắt nên trước bất kỳ quyết định nào tôi cũng đặt lợi ích của đồng đội và doanh nghiệp lên trên hết. Người lính chúng tôi khi làm kinh doanh cũng khác lắm, chúng tôi vẫn giữ cho mình một thứ cốt lõi đó là sẻ chia và đồng cảm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tri ân, tặng quà cựu chiến binh Điện Biên Phủ

    Tri ân, tặng quà cựu chiến binh Điện Biên Phủ

    17:40, 06/05/2024

  • Hưng Yên: Cựu chiến binh khởi nghiệp từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo

    Hưng Yên: Cựu chiến binh khởi nghiệp từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo

    05:29, 08/03/2024

  • Câu chuyện vượt khó của nữ doanh nhân cựu chiến binh ở Pleiku

    Câu chuyện vượt khó của nữ doanh nhân cựu chiến binh ở Pleiku

    01:00, 14/10/2023

NGUYỄN CHUẨN