Luật Thủ đô 2024: Động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Với các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP. Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 được cho sẽ giúp phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới…
>> Sửa Luật Thủ đô: Kỳ vọng tạo ra bước phát triển vượt trội cho Hà Nội
Mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc để Hà Nội hiện thực hoá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế cho thấy, dù là địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Vì vậy, khắc phục hạn chế, tạo đột phá cho nông nghiệp phát triển được cho là yêu cầu thiết yếu.
Điều 32, Luật Thủ đô 2024 đã đề cập đến những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP. Hà Nội. Nổi bật trong đó là các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, con đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị nông sản chủ; phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng cao của Thủ đô, qua đó thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ trong nông nghiệp...
Đây không chỉ là hành lang pháp lý vững chắc, mà còn hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới của Thủ đô Hà Nội.
>> Cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô 2024 sẽ góp phần định hướng lại sản xuất nông nghiệp của Thủ đô theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Thủ đô 2024 được thông qua, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.
Đây là cách đặt vấn đề mới, thoát ra khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội; vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…
Và để nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát triển theo định hướng chính sách đã đề ra, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, trong xu hướng đô thị hoá ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, TP. Hà Nội xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học và công nghệ - yếu tố vốn là thế mạnh của Thủ đô. Xác định tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.
“Trên cơ sở Luật Thủ đô 2024, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách rất rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, phải phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ cho nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Trong phát triển nông thôn, cần đảm bảo thu hẹp khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm”, vị chuyên gia này góp ý.
Còn theo PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, không thể tiếp tục phương thức sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán hiện nay. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.
Được biết, Luật Thủ đô 2024 gồm 7 Chương và 54 Điều nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan. Cùng với đó, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Kỳ vọng tạo ra bước phát triển vượt trội cho Hà Nội
03:30, 28/06/2024
Cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật
03:50, 22/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
03:10, 05/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
03:20, 02/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
03:30, 31/05/2024