Chứng khoán

Sức ép thị trường chứng khoán

NGUYỄN HỮU BÌNH, Chuyên gia chứng khoán 10/08/2024 11:56

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vẫn sẽ chịu nhiều sức ép khi TTCK toàn cầu diễn biến tiêu cực, khối ngoại liên tục bán ròng, áp lực giải chấp lớn…

index64.jpg
VN-Index đang xoay quanh mức 1.200 điểm.

Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư cần thực sự cẩn trọng trong việc dùng đòn bẩy, bởi điều này sẽ tạo ra áp lực cực lớn với nhà đầu tư khi TTCK có những diễn biến bất thường.

Áp lực bán tháo

Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25%; đồng thời giảm quy mô mua trái phiếu xuống còn 3.000 tỷ Yên. Điều này khiến đồng Yên Nhật tăng vọt so với đồng USD vốn dĩ sụt mạnh xuống mức 102 yên/USD từ 105 yên/USD trước đó. Cú biến động này có lẽ là nguồn cơn khiến TTCK toàn cầu bị bán tháo, trong đó đáng chú ý là TTCK Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm mạnh hơn 10%, thậm chí cơ quan quản lý phải ngắt giao dịch. TTCK Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự khi các chỉ số như DJ30, S&P500 cũng giảm mạnh. Điều này đang được lý giải là bởi rất nhiều tổ chức tài chính sử dụng công cụ SWAP khi vay Yên với lãi suất cực thấp để đầu tư vào các thị trường khác kiếm lời. Khi lãi suất và tỷ giá thay đổi đã khiến cho dòng vốn này bị thay đổi mạnh và bán tháo xuất hiện.

Không biết diễn biến trên có phải là tác nhân khiến TTCK Việt Nam cũng bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch ngày 05/08 vừa qua hay không nhưng sự giảm điểm của TTCK Việt Nam đã được nhìn nhận thấy và kéo dài cả tháng 7. Điều đang nói ở phiên này chắc chắn là có giải chấp, yêu cầu bổ sung margin - điều thường xảy ra khi lệnh bán mạnh vào cuối phiên. Chứng kiến hơn 100 mã giảm sàn trên riêng sàn HSX là đủ để hiểu rằng áp lực margin đang rất lớn.

ttxvn-chung-khoan.jpg
Nhiều nhà đầu tư đang mong thu hồi vốn, thay vì kỳ vọng có lời và rót thêm vốn đầu tư. Ảnh: T.C

Tuy nhiên khi TTCK toàn cầu tăng trở lại thì ở phiên 6/8 chỉ số VN-Index cũng ghi nhận mức hồi phục ấn tượng với mức tăng 1,87%, tương đương 22,2 điểm. Rất nhiều mã tăng nhưng số mã tăng trần lại không nhiều, chỉ khoảng 5 mã trên HSX. Trong đó, khối lượng giao dịch 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với đáy 12.000 tỷ đồng. Những yếu tố này cho thấy thị trường chưa thể tạo ra đà tăng bền vững và nguy cơ điều chỉnh vẫn còn. VN-Index đã phục hồi lên mức 1.200 điểm nhưng sẽ thật khó duy trì trong tháng 8 này trong bối cảnh thiếu vắng thông tin.

Chúng ta đều thấy mùa báo cáo bán niên đã qua với kết quả khá khá quan. Theo dữ liệu từ FiinGroup thì lợi nhuận toàn thị trường tăng 21,8% trong quý 2, trong đó nhóm tài chính tăng 26,6% nhưng thực tế còn nhiều bất ổn. Nhóm ngân hàng có lợi nhuận tăng 28,8% nhưng tăng trưởng tín dụng lại rất thấp, thậm chí bước sang đầu tháng 7 còn sụt giảm so với mức 6% cuối tháng 6. Nhiều ngân hàng có nợ xấu đang gia tăng và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo NHNN lên đến 6,9%.

Nhiều điểm không thuận lợi

Quay trở lại với thị trường toàn cầu, chúng ta hiếm khi thấy cú sụt giảm mạnh kinh hoàng như vậy trong rất nhiều năm qua. Chứng kiến chỉ số Nikkei 225 giảm từ mốc 42.000 điểm xuống gần 31.000 điểm theo chiều thẳng đứng cho thấy sự nguy hại và tác động mạnh mẽ từ vay chéo (carry trade).

Theo các báo cáo từ các tổ chức lớn thì áp lực này chưa thể sớm chấm dứt sau nhiều năm BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức. Việc BoJ tăng lãi suất vừa qua chỉ là bước đầu và nếu như họ tiếp tục tăng lãi suất thì kịch bản buộc phải bán tài sản để thu hồi dòng tiền sẽ lại tiếp tục. Điều đó sẽ khiến cho đà hồi phục của các thị trường trên trở nên mong manh. Trong khi đó tại Mỹ, yếu tố đang quan ngại nhất chính là báo cáo về thị trường lao động tiếp tục cho thấy sự giảm sút. Các chỉ số dự báo Mỹ rơi vào suy thoái đang ngày một nhiều hơn.

Khối ngoại đã bán ròng mạnh mẽ trước đó, và hiện họ vẫn tiếp tục bán tháo, dù họ đã có sự thay đổi nhiều hơn, có nghĩa nhiều mã đã được mua ròng trở lại. Với các yếu tố thế giới như trên, thật khó để kỳ vọng dòng vốn ngoại này quay lại thị trường Việt. Trong kịch bản đó, áp lực lên vốn nội là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền margin đã ở mức cao nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối. Trên TTCK ngày càng nhiều công ty xin tăng vốn khiến áp lực này sẽ càng lớn hơn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đang bị kẹt ở vùng giá cao, có lẽ họ chỉ mong bán ra thu hồi vốn, thay vì kỳ vọng có lời và rót thêm vốn đầu tư.

Về ngắn hạn, thị trường có thể loanh quanh vùng 1.230 điểm nhưng về cơ bản, TTCK tháng 8 có quá nhiều điểm không thuận lợi. Do đó, kịch bản VN-Index mất mốc 1.200 điểm rất có khả năng xảy ra. Tùy thuộc vào các yếu tố bên ngoài, trong kịch bản bất thường lớn như xung đột từ Trung Đông hay chiến sự Nga – Ukraine thì có thể thúc đẩy đà giảm nhanh và mạnh hơn. Trong kịch bản ổn định, thanh khoản thị trường không gia tăng mà suy giảm đi, VN-Index có thể tịnh tiến dần xuống các ngưỡng hỗ trợ 1.180 điểm và 1.150 điểm.

NGUYỄN HỮU BÌNH, Chuyên gia chứng khoán