Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Kinh nghiệm xây dựng CRAs
Hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (CRAs) hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
CRAs và phát triển thị trường TPDN
CRA là một tổ chức trung gian tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và đóng vai trò quan trọng, trong việc giải quyết bài toán bất đối xứng thông tin đầu tư trên thị trường trái phiếu, cung cấp thông tin tín nhiệm các tổ chức phát hành và công cụ nợ khách quan, độc lập, minh bạch, có độ tin cậy cao và xác định mức độ rủi ro để các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trên thị trường tham khảo thông tin, quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro. Vì vậy, hoạt động của các CRA, đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên phạm vi toàn thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng.
Thông lệ hoạt động đầu tư của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ở trên thế giới, là hầu hết các tổ chức phát hành và trái phiếu, đều phải cần được các CRA đánh giá Xếp hạng tín nhiệm. Câu hỏi phổ biến của nhà đầu tư trên thị trường quốc tế trước khi quan tâm chú ý, cân nhắc và quyết định đầu tư là “trái phiếu có chất lượng tín nhiệm ra sao”?
Một doanh nghiệp có thể phát hành nhiều loại trái phiếu, với nhiều thời điểm phát hành khác nhau nên các nhà đầu tư trên thị trường, cần phải có thông tin tham khảo kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam, hầu như các CRA chưa thực hiện đánh giá Xếp hạng trái phiếu, mà mới công bố thông tin đánh giá Xếp hạng tổ chức phát hành. Đây cũng là điểm hạn chế của thị trường trái phiếu trong nước hiện nay.
Có thể nói, các CRA trên thế giới có vai trò và chức năng quan trọng như sau:
Thứ nhất, là CRA là tổ chức trung gian của thị trường, giúp giải quyết bài toán bất đối xứng thông tin của thị trường trái phiếu. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, khi mà số lượng doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán còn rất hạn chế. Hơn thế nữa, trong bối cảnh vài năm trở lại đây, niềm tin thị trường đã giảm sút nghiêm trọng sau vài sự kiện "scandal" điển hình Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát vừa qua.
Thứ hai, là thông qua hoạt động Xếp hạng các tổ chức phát hành và công cụ nợ sẽ góp phần xác lập “đường cong lãi suất thị trường trái phiếu” trên thị trường. Theo đó, các tổ chức phát hành có chất lượng tín nhiệm tốt, sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội huy động vốn thành công cao hơn, với mức lãi suất thấp hơn, so với các doanh nghiệp có chất lượng tín nhiệm thấp hơn.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong việc thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn huy động, từ các kênh khác trên thị trường như tín dụng ngân hàng, các thương vụ M&A, thực hiện các hình thức hợp tác đối tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, là hoạt động Xếp hạng trên thị trường sẽ tạo lập và gia tăng lực cầu đầu tư trên thị trường. Trong điều kiện thị trường có nhiều tổ chức phát hành, trái phiếu được Xếp hạng tín nhiệm, có lãi suất hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác và thị trường trái phiếu thứ cấp phát triển; thì sẽ góp phần thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân quan tâm hơn và quyết định chuyển dịch đầu tư, từ các kênh tài chính khác sang trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành trên thị trường.
Thứ tư, là hoạt động của các CRA sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy văn hoá Xếp hạng tín nhiệm, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường. Các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ Xếp hạng cho đa mục đích như phục vụ nhu cầu phát hành trái phiếu theo kế hoạch hàng năm, công tác quản trị và quản lý nội bộ doanh nghiệp và các hoạt động hợp tác đối tác hoặc là các thương vụ M&A trên thị trường.
Thứ năm, có một số quốc gia khu vực châu Á có quy định, trong các trường hợp doanh nghiệp vay vốn lớn (đặc biệt vay vốn hợp phần), thì phải cần phải được đánh giá Xếp hạng tín nhiệm, để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng có thêm thông tin tham khảo độc lập, trước quyết định cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển lớn trong trung và dài hạn.
Hoặc là, các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải Xếp hạng tín nhiệm hàng năm để cung cấp các báo cáo Xếp hạng cho các cơ quan quản lý nhà nước chức năng có thẩm quyền giám sát, quản lý và đánh giá kịp thời các biến động về doanh thu, lợi nhuận, các yếu tố rủi ro tiềm tàng trong công tác quản trị, quản lý và các chính sách quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp.
Thứ sáu, là hoạt động Xếp hạng giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu uy tín tín dụng trên thị trường và lịch sử Xếp hạng tín nhiệm. Từ đó, hỗ trợ cung cấp thông tin khách quan, độc lập, minh bạch và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo thông tin, phân biệt chất lượng và quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro của mình.
Thứ bảy, là thông qua quá trình đánh giá Xếp hạng các tổ chức phát hành và trái phiếu trên thị trường, hoạt động của các CRA đã góp phần từng bước tạo lập, nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của mỗi quốc gia theo hướng vận hành minh bạch, lành mạnh, ổn định và phát triển bền vững hơn.
Kinh nghiệm phát triển các CRAs của thế giới và Châu Á
Thứ nhất, kinh nghiệm của nhiều quốc gia châu Á cho thấy, trong giai đoạn đầu phát triển, Nhà nước có thể ban hành các chính sách, quy định bắt buộc Xếp hạng tín nhiệm, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường. Sau vài ba năm thực hiện, hoạt động Xếp hạng dần trở thành nhu cầu tham khảo thông tin chất lượng tín nhiệm của các tổ chức phát hành, là yêu cầu bắt buộc từ các nhà đầu tư trên thị trường và trở thành văn hóa trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường.
Như vậy, trong giai đoạn đầu phát triển sơ khai của thị trường Nhà nước cần thiết phải có các chính sách quy định bắt buộc Xếp hạng các tổ chức phát hành và trái phiếu để vừa kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển; vừa góp phần bảo vệ các quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trên thị trường.
Nhưng đến khi đã tạo lập và hình thành văn hóa Xếp hạng trong hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, thì chính các nhà đầu tư trên thị trường là nhân tố yêu cầu bắt buộc có thông tin tham khảo độc lập và đáng tin cậy trước khi quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro. Các tổ chức phát hành và trái phiếu không thực hiện Xếp hạng tín nhiệm thì hầu như không được các nhà đầu tư trên thị trường quan tâm, xem xét và quyết định đầu tư.
Điều đó, có nghĩa là các hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu phát triển của thị trường là theo “định hướng quản lý bắt buộc” và từng bước chuyển sang hình thức “định hướng theo yêu cầu thị trường”.
Thứ hai, theo thông lệ thị trường trái phiếu thế giới, là khuyến khích phát triển các hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng. Theo đó, các trái phiếu phát hành ra công chúng, phần lớn là của các tổ chức phát hành được đánh giá Xếp hạng, nên thường có thông tin đầy đủ và minh bạch hơn, với sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước chức năng chặt chẽ hơn. Từ đó, có khả năng thu hút, hấp dẫn tham gia đầu tư của các trái chủ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, kinh nghiệm phát triển thị trường TPDN của thế giới nói chung và châu Á nói riêng, là thông qua quá trình vận hành từng bước thị trường xác lập hình thành “đường cong lãi suất thị trường trái phiếu”.
Theo đó, tất cả các quốc gia và doanh nghiệp khi thực hiện phát hành trái phiếu ra công chúng, trên thị trường quốc tế hoặc trong nước, đều được các trái chủ tiềm năng thương lượng đàm phán đầu tư, với kỳ hạn và lãi suất thực tế phù hợp với chất lượng tín nhiệm hiện có của quốc gia và doanh nghiệp đó.
Điều đó, cũng có nghĩa là các quốc gia có mức Xếp hạng thấp ở dưới mức đầu tư sẽ có lãi huy động cao hơn nhiều so với các quốc gia có mức Xếp hạng đầu tư. Đặc biệt các quốc gia có mức Xếp hạng tín nhiệm, trong nhóm Bậc AAA sẽ có lãi suất trái phiếu trên thị trường là rất thấp.
Thứ tư, là kinh nghiệm của nhiều quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển ở châu Á cho thấy, định hướng chính sách quy hoạch và quản lý phát triển các CRA rất rõ ràng, nhất quán, đi đôi với việc giám sát chế tài, quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và hạn chế phát sinh các yếu tố cạnh tranh không lành mạnh giữa các CRA, làm giảm sút chất lượng dịch vụ Xếp hạng và uy tín thương hiệu, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường trái phiếu.
Đồng thời, hướng đến chú trọng nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn và chất lượng nguồn lực của các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm nội địa, theo thông lệ hoạt động và chuẩn mực chất lượng chuyên môn của các CRA thế giới. Theo đó, mỗi quốc gia nên chỉ có 02 – 03 CRA, là phù hợp với điều kiện hoạt động và nhu cầu của thị trường. Mỗi CRA nội địa trong quá trình hoạt động từng bước phát triển nguồn nhân lực, với số lượng có thể là vài trăm hoặc vài ngàn nhân sự trở lên, tùy thuộc quy mô, tốc độ và nhu cầu phát triển của thị trường trái phiếu.
Trên cơ sở môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi, các CRA có kế hoạch từng bước tái đầu tư phát triển mạnh các nguồn lực của tổ chức về thương hiệu, trình độ quản trị và quản lý, hệ thống quy trình và phương pháp Xếp hạng, hệ thống IT và công nghệ, hệ thống dữ liệu, hệ thống đối tác và khách hàng phù hợp nhu cầu thị trường và yêu cầu cạnh tranh phát triển trong từng giai đoạn.
Hiện nay, Nghị định Chính phủ số 88 quy định điều kiện nhân sự chuyên môn tối thiểu của mỗi CRA là 15 người, bao gồm chuyên viên phân tích và thành viên Hội đồng Xếp hạng.
Thứ năm, trong thời gian qua, các Bộ, ngành chức năng Trung Quốc đã thực hiện các chính sách chuyển đổi, cải cách và tăng trưởng ngành Xếp hạng tín nhiệm. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các CRA trong nước, thông qua việc giám sát quản lý chặt chẽ hoạt động của các CRA; nâng cao năng lực quản trị, quản lý và kiểm soát nội bộ CRA; nâng cao chất lượng hệ thống phương pháp Xếp hạng và chất lượng nhân sự chuyên môn CRA; tạo lập môi trường hoạt động thuận lợi, công bằng, bình đẳng và tăng cường công bố thông tin Xếp hạng các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và công cụ nợ trên thị trường.
Thứ sáu, kinh nghiệm thực tế của nhiều quốc gia cho thấy, các tổ chức phát hành trái phiếu trên thị trường trong nước và quốc tế, có chất lượng tín nhiệm ở mức đầu tư trở lên (Bậc BBB-), đặc biệt là từ Bậc AA đến Bậc AAA, thường được đánh giá cao nổi bật và phát hành trái phiếu thành công với tỷ lệ khá cao (ví dụ, thị trường Malaysia tổ chức phát hành có mức từ AA – AAA, với tỷ lệ phát hành thành công đạt trên 95%), so với các doanh nghiệp có chất lượng Xếp hạng tín nhiệm thấp hơn.
(Bài tiếp theo: Phát triển thị trường TPDN - Các khuyến nghị)