Vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rất quan trọng.
Tổng quan về phát triển thị trường TPDN
Hầu hết, các quốc gia trên thế giới và khu vực châu Á có nền kinh tế thị trường phát triển thì các thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng và thị trường TPDN phát triển rất mạnh mẽ và đồng bộ. Đây là 03 kênh dẫn nguồn vốn thị trường có tính chất trụ cột, liên thông và quan trọng hàng đầu của nền tài chính thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.
Trong đó, thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn, có vai trò rất quan trọng và cần thiết cho yêu cầu phát triển kinh doanh, đối với hệ thống doanh nghiệp ở mỗi quốc gia (bao gồm các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính và doanh nghiệp).
Từ các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, việc huy động được thông qua việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế hoặc trong nước, các tổ chức phát hành mới có khả năng các nguồn lực tài chính cần thiết để có thể đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển với quy mô lớn, cấp thiết và quan trọng của chính doanh nghiệp; hoặc là, tham gia đấu thầu cạnh tranh thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức ra công chúng, hoặc là riêng lẻ để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn, đã trở thành thông lệ và hiện tượng rất phổ biến của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới; ngoài việc tìm kiếm và huy động các nguồn vốn đầu tư, từ các kênh vay tín dụng ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán.
Hệ thống doanh nghiệp thực hiện hiệu quả vấn đề nói trên, sẽ tạo ra nhiều động lực, mục tiêu và cơ hội phát triển trên cấp độ bình diện quốc gia và của từng doanh nghiệp trong nền kinh tế của quốc gia đó.
Đó là, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong việc có đủ các nguồn vốn cần thiết để có thể mở rộng cơ sở sản xuất hiện có, đầu tư các chương trình, dự án mới và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; vừa góp phần giúp cho nền kinh tế giảm thiểu tối đa sử dụng nguồn vốn đầu tư công, từ ngân sách Nhà nước dành cho các chương trình, dự án đầu tư có quy lớn và trọng điểm quốc gia; đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, trong việc thực hiện các chiến lược, chính sách xã hội hoá, trong các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia.
Trên bình diện kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng, thị trường TPDN đã có lịch sử phát triển với thời gian tương đối dài. Trong nhiều thập kỷ qua, thị trường TPDN đã trở thành động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Vì vậy, đã có nhiều nước trên thế giới và khu vực châu Á rất chú trọng việc thúc đẩy thị trường TPDN phát triển nhằm khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trung và dài hạn, cho hệ thống doanh nghiệp tài chính và phi tài chính.
Theo số liệu thống kê của Saigon Ratings, nhiều quốc gia trên có nền kinh phát triển thì thị trường trái phiếu đạt khoảng 50–70% GDP quốc gia. Ở châu Á, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu tỷ lệ này ở hơn 94,9% GDP. Các quốc gia như Thái Lan ghi nhận 27,0% GDP; Indonesia đạt khoảng 24,2% GDP. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới ở giai đoạn phát triển sơ khai và chỉ mới đạt khoảng 10% GDP. Chúng tôi cho rằng, đây là tỷ lệ còn rất thấp so với mặt bằng chung của nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á; đồng thời thị trường TPDN trong nước, còn có rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong trung và dài hạn.
Đối với Trung Quốc, đến nay đã có quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của tổ chức CCXI (tổ chức Xếp hạng tín nhiệm hàng đầu Trung Quốc hiện nay), thì tính đến cuối năm 2023, số dư trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường toàn quốc đạt 155,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 542 triệu tỷ đồng), chiếm 120 % GDP và trở thành thị trường TPDN có quy mô lớn thứ hai thế giới.
Phát triển thị trường TPDN Trung Quốc có thể được chia làm 03 giai đoạn chính: Giai đoạn thị trường phát triển sơ khai, giai đoạn thị trường phát triển thăm dò và giai đoạn thị trường phát triển mạnh. Đặc biệt trong vòng 02 thập kỷ trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng GDP cao, ổn định và với sự phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở thị trường, đã có những tác động tích cực làm cho thị trường TPDN Trung Quốc phát triển đột biến, nhảy vọt và ngày càng trở nên có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng cho thấy, Chính phủ đã và đang hướng tới mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, ổn định, an toàn, chuyên nghiệp và có tính bền vững cao. Theo đó, ưu tiên tập trung việc từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy thị trường phát triển đúng hướng, lành mạnh không ngừng cải thiện và gia tăng chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở thị trường, phát triển văn hóa Xếp hạng của tổ chức phát hành và nâng cao chất lượng công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chức năng. Đồng thời, chủ động xác lập các cơ chế phòng ngừa từ xa và giải quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả các yếu tố rủi ro tiềm tàng có thể sẽ phát sinh trong quá trình vận hành phát triển thị trường.
Mục tiêu và định hướng nâng cao chất lượng tín nhiệm quốc gia Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 Phê duyệt “Đề án cải thiện Xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030”.
Trong thời gian qua, 03 tổ chức Xếp hạng thế giới đã đánh giá mức Xếp hạng quốc gia Việt Nam: S&P và Fitch (BB+) và Moody’s (Ba2). Như vậy, Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam hiện nay, là vẫn đang ở mức khá thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (BBB), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Mayaysia (A-) và Singapore (AAA).
Phấn đấu nâng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư: Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030, đạt mức Xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch).
Theo mục tiêu của Đề án, định hướng phát triển đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, xây dựng nền tài chính công vững mạnh và giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.
Xu hướng xếp hạng tín nhiệm quốc tế
Các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency - CRA) là tổ chức trung gian của thị trường trái phiếu và có vai trò rất cần thiết và quan trọng, đối với việc phát triển thị trường trái phiếu toàn cầu nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng.
Hiện nay, trên thế giới đang có 03 tổ chức Xếp hạng quốc tế, gồm có S&P, Moody’s và Fitch Ratings (nhóm Big Three), thực hiện đánh giá Xếp hạng tín nhiệm các quốc gia và các tổ chức định chế tài chính, doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trên phạm vi toàn cầu. Các CRA quốc tế có lịch sử phát triển, kinh nghiệm và hoạt động cung cấp các dịch vụ Xếp hạng ổn định trên phạm vi toàn cầu hàng thập kỷ nay.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao, thông thường mỗi quốc gia có từ 02 đến 03 tổ chức Xếp hạng tín nhiệm (riêng thị trường Trung Quốc và Ấn Độ thì có số lượng nhiều hơn). Các CRA thường thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và công cụ nợ ở thị trường trong nước và được gọi là các CRA nội địa (hoặc CRA địa phương). Phần lớn các CRA có quá trình hình thành và lịch sử hoạt động, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển thị trường trái phiếu ở mỗi quốc gia, với thời gian tương đối dài từ khoảng 20 đến 50 năm hoặc là thời gian lâu hơn.
Hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển, với GDP tương đối cao và có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, với khoảng 35–60% GDP, thì đều có số lượng từ 02 đến 03 CRA hoạt động cung cấp các dịch Xếp hạng tín nhiệm ổn định cho thị trường nhiều thấp kỷ nay. Riêng Philippines và Đài Loan, mỗi nơi chỉ có 01 CRA được cấp phép hoạt động trong nhiều thập kỷ qua.
Ở nhiều quốc gia Châu Á, các CRA quốc tế có thể đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước chức năng có thẩm quyền sở tại, để mở Văn phòng hoạt động độc lập, hoặc là tham gia đầu tư cổ phần với các CRA địa phương. Có một số CRA nội địa đang hoạt động kinh doanh thành công và dẫn đầu thị trường như JCR (Nhật Bản), NICE (Hàn Quốc), không có vốn đầu tư cổ phần của các CRA quốc tế (với 100% vốn cổ phần là của các cổ đông trong nước).
Các CRA quốc tế và CRA nội địa đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu thế giới nói chung và thị trường trái phiếu ở mỗi quốc gia phát triển ổn định, chất lượng và bền vững.
Vấn đề quan trọng nhất và có tính chất sống còn, đối với sự phát triển của mỗi CRA là phải xây dựng uy tín thương hiệu trên thị trường và phải quan tâm đầu tư phát triểnkhông ngừng nhằm từng bước gia tăng giá trị về nguồn lực chuyên môn cốt lõi của tổ chức. Đồng thời, các CRA cần phải có quá trình quản lý, vận hành thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động cung cấp dịch vụ cho thị trường, với thời gian tương đối dài (tối thiểu từ 7–10 năm trở lên) để có thể phát triển kinh doanh ổn định, hiệu quả và đứng vững trên thị trường.
Bởi vì, các hoạt động của các CRA với các chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm chuyên môn rất quan trọng và có tính nhạy cảm cao, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính. Theo đó, các CRA có trách nhiệp cung cấp các báo cáo đánh giá Xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức phát hành và/hoặc công cụ nợ, cho các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân trên thị trường có thể tham khảo thông tin khách quan, độc lập, hữu ích, kịp thời và đáng tin cậy, trước khi đưa ra quyết định đầu tư các loại hình trái phiếu theo khẩu vị rủi ro của mình.
(Bài tiếp theo: Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Kinh nghiệm xây dựng CRAs)