Kinh tế địa phương

Tây Ninh quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Thùy Linh 23/09/2024 17:12

Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong quý III/2024 trên địa bàn tỉnh phải đạt ít nhất 75%, đến cuối năm đạt trên 95%.

Trong năm 2024, tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 4.174 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trong đó: vốn ngân sách địa phương hơn 3.453 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 720 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước do HĐND tỉnh giao hơn 4.250 tỷ đồng, tăng hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Đến cuối quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đã giao chi tiết 100% kế hoạch HĐND tỉnh giao cho các dự án sử dụng vốn tỉnh quản lý và giao mức vốn hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố.

image-20240924160513-1.jpeg
Hội nghị giao ban xây dựng cơ bản quý III/2024 tỉnh Tây Ninh tổ chức sáng ngày 23/9/2024,

Đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 1.849 tỷ đồng, đạt 44,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 43,52% kế hoạch HĐND tỉnh giao; đến ngày 10/9/2024, đã giải ngân gần 1.851 tỷ đồng, đạt 44,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 43,55% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước đến 30/9/2024, tỉnh sẽ giải ngân hơn 2.267 tỷ đồng, đạt 54,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 53,35% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong quý III trên địa bàn tỉnh phải đạt ít nhất 75%; đến cuối năm đạt trên 95%.

Một trong những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là công tác giải phóng mặt bằng hoặc các thủ tục về đất đai; xử lý của nhà thầu trên công trường, xử lý tiến độ thi công chưa tốt; một số dự án chuyển tiếp có số vốn lớn nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện công tác điều chỉnh, phát sinh hạng mục cho phù hợp tình hình triển khai thực tế của dự án; một số khác do năng lực của nhà thầu, đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Căn cứ tình hình triển khai thực tế của các dự án, các mục tiêu đột phá của tỉnh, UBND tỉnh Tây Ninh đã trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024, trong đó bổ sung các dự án mới, có tính chất lan tỏa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc cụ thể của từng dự án đối với các địa phương và chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Thảm nhựa tuyến ĐT787B thuộc dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - đường 787B - đường 789.
Thảm nhựa tuyến ĐT787B thuộc dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - đường 787B - đường 789.

Tại phiên họp giao ban xây dựng cơ bản quý III, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, các đơn vị chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm sẽ là một áp lực lớn; trong bối cảnh hiện tại, nếu không có quyết tâm cao thì khó có thể đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên.

Ông Dương Văn Thắng đề nghị các sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải tăng tốc và nỗ lực hơn nữa, nhất là đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp trong 9 tháng qua.

Từ thực tế triển khai thực hiện, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng chủ đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hiệu quả theo đúng định hướng, Chỉ thị của Trung ương và địa phương; phấn đấu đến hết quý III/2024 đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 75% và đến cuối năm 2024 đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công được HĐND tỉnh giao.

Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhà thầu các dự án theo thẩm quyền và báo cáo, tham mưu giải pháp đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán và tất toán các dự án hoàn thành, phối hợp với đơn vị thi công thực hiện đầy đủ, kịp thời các thủ tục để giải ngân vốn theo tiến độ thi công và kế hoạch vốn được giao; tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra những nhiễu, tiêu cực trong công tác xây dựng cơ bản.

“Các ngành chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu, đánh giá hiệu quả đầu tư, chất lượng các công trình dự án, nhất là kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng thi công, kiên quyết chấm dứt dự án, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” – ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Thùy Linh