Kinh tế địa phương

Tây Ninh: Tăng tốc, hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thùy Linh 02/09/2024 09:02

Tỉnh Tây Ninh xác định, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh sẽ trở thành địa phương đáng sống, năng động và văn minh.

Tỉnh Tây Ninh đã và đang nỗ lực không ngừng, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch, hiện thực hoá chiến lược phát triển nhiều lĩnh vực.

Điểm sáng về du lịch

Một trong những điểm nổi bật nhất của Tây Ninh là phục hồi nền kinh tế, đầu tư vào du lịch, tạo sự “đột phá” với hàng loạt lễ hội, sự kiện nổi bật, như: Hội xuân núi Bà Đen năm 2024, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu, các hoạt động thể dục - thể thao...

Mới đây, Tây Ninh cũng tổ chức hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist Group) giai đoạn 2024-2029.

UBND tỉnh Tây Ninh và Saigontourist Group thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác
UBND tỉnh Tây Ninh và Saigontourist Group ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách, tăng 3,6% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.145 tỷ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ, đạt 93,3% so với kế hoạch. Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Tây Ninh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 6 tỉnh, thành phố nước ngoài; trong đó, tỉnh đã ký 2 bản Thoả thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc và 4 Thoả thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, kế hoạch đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực. Nơi đây sẽ là tâm điểm để kết nối, lan toả du lịch địa phương nói riêng và cả khu vực Đông Nam Bộ nói chung.

Du khách tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen
Du khách tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen

Trong giai đoạn 2021-2025, doanh thu du lịch sẽ đạt 9.000 tỷ đồng và khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh sẽ đóng góp trên 10% GRDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân từ 25% mỗi năm trở lên; phát triển, kết nối đồng bộ loạt điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong 8 tháng đầu năm 2024, các hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế tăng trưởng tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 8.422 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 7.253 tỷ đồng, đạt 73,27% dự toán, tăng 12,62% cùng kỳ năm trước. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.168 tỷ đồng bằng 97,34% dự toán năm và tăng 17,66% so cùng kỳ năm trước.

8 tháng đầu năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,43%, sản xuất công nghiệp đã dần phục hồi, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triến bền vững; sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, đáp ứng tiến độ mùa vụ, diện tích cây trồng xuống giống tăng so với cùng kỳ...

Lãnh đạo
Tỉnh Tây Ninh luôn đồng hành với doanh nghiệp trong triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh luôn chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ trong đầu tư.

Tỉnh Tây Ninh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xác định rõ đầu mối, rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong hướng dẫn, triển khai các chính sách tới doanh nghiệp...

Những nỗ lực của các cấp chính quyền Tây Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 707 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 135.783 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh cấp mới được 22 dự án, với số vốn thu hút hơn 115 triệu USD; 16 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 143 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án đầu tư ngoài nước, với tổng vốn đăng ký 9.832 triệu USD.

“Tây Ninh xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và du lịch của Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Đến năm 2050, tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng” - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Năm 2023, chỉ số PCI tỉnh Tây Ninh cải thiện rõ nét, tăng 35 bậc, nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI tốt nhất cả nước. Hầu hết điểm số các chỉ số thành phần PCI 2023 của tỉnh đều tăng so với năm 2022, nổi bật như chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động… Đối với chỉ số PGI 2023, Tây Ninh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; cả 4 chỉ tiêu thành phần đều có sự cải thiện rõ nét so với năm 2022, gồm: giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, bảo đảm tuân thủ, thúc đẩy thực hành xanh, chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Ninh: Tăng tốc, hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO