Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh đã tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, theo 12 nhóm lĩnh vực để từng bước rà soát và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngày 26/8, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn như: không có đơn hàng, giảm đơn hàng, ít đơn hàng dẫn đến việc cắt giảm lao động, lao động mất việc làm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn phải thay đổi mục tiêu dự án để thích nghi thị trường... Các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Đặng Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết: Đơn vị đã tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, theo 12 nhóm lĩnh vực như: trong thực hiện các thủ tục hành chính; vấn đề tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi còn hạn chế; quỹ đất công thực hiện các dự án còn ít, hạn chế đối tượng; một số chính về tiền thuê đất, thanh toán tiền thuê đất 1 lần; khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại; lĩnh vực thuế…
Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh ghi nhận, chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp và cho biết, đây là tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay trong cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang gặp phải.
Trước mắt, Sở Công Thương sẽ tham mưu các giải pháp đồng bộ, nhất là đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để có đơn hàng mới, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử để khắc phục một phần khó khăn của doanh nghiệp.
Đối với việc cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp , Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh gợi ý giải pháp cho doanh nghiệp vận dụng linh hoạt làm việc theo nhu cầu trong thời gian không có đơn hàng hoặc cho công nhân làm việc bán thời gian. Về lâu dài, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực đề ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng khó khăn.
Việc thay đổi mục tiêu hoạt động để tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu trong thời gian sớm nhất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, hợp tác xã, hộ kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.
Đồng thời để các cơ quan quản lý nhà nước được lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các cơ quan cũng kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua. Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh được cải thiện rõ nét, tăng 35 bậc và nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền và sự cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tây Ninh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Theo đó, xác định trách nhiệm, rõ đầu mối tổng hợp tình hình hoạt động, các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp là Sở KH&ĐT; ngoài ra, còn có những đầu mối quan trọng khác như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành, địa phương…
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương, sở ngành quan tâm, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và hỗ trợ các thủ tục thụ hưởng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực thi công vụ nhất là những lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp; kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao tinh thần ý thức phục vụ của cán bộ, công chức.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực; tỉnh sẽ tiếp thu và từng bước rà soát và có giải pháp tháo gỡ; đồng thời chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Đối với các thủ tục triển khai dự án còn chậm theo phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, để có được chủ trương đầu tư thì doanh nghiệp và các ngành, các cấp cần thực hiện rất nhiều thủ tục tương thích và đồng bộ như: thủ tục về đất đai, về quy hoạch, xây dựng, môi trường… nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với thông tin các chính sách ưu đãi hiện nay của tỉnh đã được công khai đầy đủ trên rất nhiều kênh thông tin, nhất là cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận sớm và khai thác hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ cho rà soát lại các thủ tục để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi này.
Cùng với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh mong các doanh nghiệp cộng đồng trách nhiệm, nhất là góp phần giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ; tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng địa phương vì sự phát triển chung. Ông Nguyễn Thanh Ngọc cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục nghiên cứu đổi mới các mô hình hoạt động, thực sự là cầu nối, nơi hội tụ doanh nghiệp, đại diện tiếng nói của doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền.