Kinh tế địa phương

Tây Ninh hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững

Thùy Linh 10/09/2024 23:08

Tỉnh Tây Ninh xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển, hướng tới nền kinh tế xanh, phấn đấu trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Tây Ninh xanh là 1 trong 7 chương trình đột phá để thực hiện các mục tiêu theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thu hút các dự án công nghệ cao

Tây Ninh là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với TP.HCM, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tây Ninh là địa phương khá đặc biệt vì hầu như không bị bão, lũ lụt, giá rét; đất đai bằng phẳng, phì nhiêu.. có hồ Dầu Tiếng phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống.

Tây Ninh có trục đường Xuyên Á đi qua và 240 km đường biên giới gắn với 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN. Tây Ninh còn có lợi thế về điều kiện kết nối giữa Đông Nam Bộ với nước bạn Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halalrần Lưu Quang cùng các đại biểu xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halal.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halalrần Lưu Quang cùng các đại biểu xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halal.

Những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chính sách trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xanh, bền vững. Theo bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI năm 2023, Tây Ninh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Đây là thứ hạng cao, với sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong công tác quản trị môi trường gắn với phát triển kinh tế. Kết quả này cũng thống nhất với quan điểm lãnh đạo, điều hành của tỉnh “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế” đã và đang triển khai.

Theo báo cáo chỉ số PGI, về tổng thế, chỉ số PGI 2023 của Tây Ninh có sự cải thiện rõ nét so với năm 2022 đối với cả 4 chỉ tiêu thành phần, gồm: giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, bảo đảm tuân thủ, thúc đẩy thực hành xanh, chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký là 9.832 triệu USD; 707 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký là 135.783 tỷ đồng.

Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh được coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực thu hút đầu tư của Tây Ninh. Chia sẻ về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus đánh giá, Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, ông rất ấn tượng với sự chào đón, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

7 dự án đầu tư mới của tập đoàn De Heus và tập đoàn Hùng Nhơn, với tổng vốn đăng ký là 2.500 tỷ đồng thể hiện sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp trong hiện thực hóa quy hoạch tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời minh chứng về một Tây Ninh năng động, trách nhiệm, nghĩa tình, giàu tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

tn1.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh và các nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển nhằm cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn Hala.

Việc tỉnh Tây Ninh thu hút được các nhà đầu tư chiến lược với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân sẽ là bước đột phát trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới; mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên thế giới.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Hùng Nhơn luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Cụ thể, tháng 6/2023, UBND tỉnh Tây Ninh, De Heus và Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại huyện Tân Châu. Giai đoạn 1 của dự án đã được động thổ chỉ sau 1 tháng ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Tây Ninh. Và, sau hơn 10 tháng thi công giai đoạn 1 của dự án đã được khánh thành.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, tất cả các dự án mà Hùng Nhơn đã và đang triển khai tại Tây Ninh đều áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ. Bên cạnh đó, dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Hướng đến Tây Ninh xanh

Quy hoạchtỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu “Tây Ninh xanh”. Trong đó, yếu tố xanh vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh.

Mục tiêu “Tây Ninh xanh” là quan điểm khá mới mẻ nhưng lại hết sức rõ ràng của Chính phủ đặt ra cho Tây Ninh, bởi xu hướng xanh đang là mục tiêu mà ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển đang cố gắng đạt được.

diendandoanhnghiep.vn-media-uploaded-344-2024-05-09-_nguyen-thanh-ngoc.jpg
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, hướng tới nền kinh tế xanh, phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Quy hoạch xác định công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Định hướng phát triển bền vững được xác định rõ trong quy hoạch tỉnh, bao gồm: phát triển năng lượng tái tạo, giảm khí thải và tạo nguồn thu từ quỹ carbon, thích ứng với biển đổi khí hậu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao…

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, phát triển "Tây Ninh xanh” sẽ có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện; khoa học, công nghệ, kinh tế, tri thức phát huy mạnh mẽ, trở thành yếu tố chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỉnh sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với nhóm giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức cộng đồng và vấn đề xã hội hóa trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện dự án đổi mới khoa học công nghệ.

Tỉnh Tây Ninh sẽ huy động các nguồn lực cho phát triển, hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng liên vùng, liên huyện, hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khuyến khích phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, thu hút nhà đầu tư vào khu, điểm du lịch, khu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; mở rộng hợp tác quốc tế với các địa phương lân cận của Vương quốc Campuchia và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển xanh, là địa phương đáng đến và đáng sống, tỉnh Tây Ninh đã đề ra 7 đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững - Tây Ninh xanh; phát triển du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ.

Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Ninh hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO