Kinh tế địa phương

Tây Ninh: Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Thùy Linh 01/10/2024 00:24

Các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9/2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh đạt nhiều kết quả tích cực.

Kinh tế có nhiều điểm sáng

Trong 9 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 7,2%. Các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả. Hầu hết các nhóm ngành sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,4%.

Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp

Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, diện tích cây trồng xuống giống tăng so với cùng kỳ; các kế hoạch sản xuất mùa vụ, kế hoạch khuyến nông, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng và ban hành kịp thời. Các hoạt động thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm thực hiện, thu hút các nhà đầu tư chiến lược mang lại giá trị cao cho ngành.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 84,1% dự toán, tăng 14,6% cùng kỳ. Trong đó, có các khoản thu tăng đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực đầu tư nước ngoài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực kinh tế ngoài quốc dân.

Đến ngày 20/9, toàn tỉnh giải ngân 1.901 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 44,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, định hướng xử lý các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó bổ sung các dự án mới, quan trọng, có tính chất lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận nội dung tại phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 80,4% so với kế hoạch, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.218 tỷ đồng, đạt 70,7% so với kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ; Thu hút vốn đầu tư trong nước ước đạt 6.081 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài ước đạt 280 triệu USD.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt 81,5% so kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh Tây Ninh ước đạt 2.384 tỷ đồng, đạt 103,7% so kế hoạch, tăng 41,7% so cùng kỳ.

Tây Ninh đã triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (giai đoạn 1). Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ.

Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh góp phần nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh…

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong 9 tháng đầu và cả năm 2024; đồng thời thảo luận, làm rõ thêm các khó khăn vướng mắc còn tồn tại, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục trong 03 tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.

image-20241017173939-2.jpeg
Phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 của UBND tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2024 với nhiều điểm sáng. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người dân và doanh nghiệp, kết quả 9 tháng năm 2024 của tỉnh có sự tăng trưởng khả quan và toàn diện. Tỷ lệ thu ngân sách cao, 16/16 nguồn thu cơ bản đều tăng so với cùng kỳ (15/16 nguồn thu tăng từ 100 -153%), 100% địa phương thu ngân sách đạt tỷ lệ 75% -103% so với dự toán; an sinh xã hội được đảm bảo; Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới, nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài còn thấp; tỷ lệ giải ngân vốn tuy cao nhưng vẫn thấp so với kế hoạch đề ra…

Trong những tháng cuối năm 2024, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án trọng điểm, đầu tư công – tư đang triển khai hoặc đã có chủ trương đầu tư tại tỉnh và địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; kịp thời thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đã được HĐND tỉnh ban hành; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ 01/8/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các cửa khẩu, khơi thông, phát triển thương mại biên mậu, đảm bảo nguyên liệu sản xuất, chế biến của doanh nghiệp trong tỉnh. Tây Ninh tiếp tục mời gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến nông sản, gắn với vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng tại địa phương.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện, nâng cao một cách thực chất các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động cấp tỉnh: PCI, DTI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS, trọng tâm là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Thực hiện Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2024.

Thùy Linh