Hầu hết những cơn sốt đất tốc độ tăng giá phi mã chỉ trong vài tuần.

Hầu hết những cơn sốt đất tốc độ tăng giá phi mã chỉ trong vài tuần (Ảnh: Lưu Vân)

Việc tăng giá đất có 2 mặt, về tích cực giá đất ở đâu tăng sẽ làm cho giá trị sản phẩm xã hội ở khu vực đó tăng theo, kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Điều này đúng khi khu vực đó đã được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, BĐS có giá trị sinh lời từ kinh doanh, dịch vụ.

Nhưng với những khu vực chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, việc tăng giá dựa vào thông tin quy hoạch, xây dựng hạ tầng, mở rộng đô thị... Ở những nơi này, đầu nậu, cò đất ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến người bình thường khó phát hiện ra, như việc giả làm nhà đầu tư thật, mua tranh, tạo khan hiếm, nhưng thực chất chỉ giao dịch ảo.

Việc tăng giá đất ở những khu vực như vậy sẽ làm bất ổn thị trường, khi “cơn sốt” đi qua giá đất sẽ giảm. Người “ôm” đất không thể thanh khoản được sản phẩm đã giao dịch sẽ bị “chôn vốn”, nếu phải vay vốn ngân hàng sẽ không có khả năng đáo hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu. Các DN không dám vào đầu tư vì chi phí đầu tư bị đẩy lên cao, khó bán hàng.

Ở một số nước, Chính phủ sẽ bố trí quỹ nhà đất dự trữ, khi giá BĐS tăng cao sẽ dùng nguồn dự trữ để bình ổn thị trường. Việt Nam chưa thể thực hiện điều này. Nhưng quan trọng nhất vẫn cần sự can thiệp từ Nhà nước, giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện cho DN hoạt động, đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí thị trường, quyền lợi người tiêu dùng và cảnh báo nếu có nguy cơ gây ra hệ quả xấu.