Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản Số: 5197/VPCP-KTTH về việc đề xuất thực hiện một số giải pháp thu ngân sách trong năm 2021 nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19.

Cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chịu tác động của dịch COVID-19.

Cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chịu tác động của dịch COVID-19.

Xét đề nghị của Bộ Tài chính về đề xuất một số giải pháp về thu ngân sách trong năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến như sau:

Đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chịu tác động của dịch COVID-19.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ Nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành (các) văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong đó cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm thời hạn, chất lượng.

Trước đó, ngày 7/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định Số: 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 55,9% dự toán, tăng 13,1%; thu từ dầu thô ước đạt 79,8% dự toán, giảm 13,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 68,8% dự toán, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ thu dự toán (trên 50%). Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,9% dự toán, tăng 18,2%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,1% dự toán, tăng 18,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 58,7% dự toán, tăng 38,2%.

Báo cáo cũng cho biết, có 60 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 55% dự toán; 3 địa phương có số thu đạt dưới 50% (Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình). Ngoài ra, nhiều địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong các tháng tiếp theo.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.