Các chuyên gia cho rằng chính quyền Mỹ cần cân nhắc kĩ vấn đề TikTok

>> Căng thẳng Mỹ- Trung lại “nổi sóng”

Trước hết, lệnh cấm Tiktok sẽ phá hỏng uy tín của nước Mỹ. Quốc gia này từng mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về các quyền tự do khi nước này cấm mọi nguồn thông tin từ phương Tây, như Google, Twitter cho các tờ báo. Do vậy, việc chính quyền Biden sao chép hành động cấm đoán một MXH nhiều người dùng của Trung Quốc sẽ đi ngược lại thứ đã tạo nên giá trị Mỹ. Cấm Tiktok vì lý do an ninh quốc gia không khác gì cho thế giới thấy rằng Trung Quốc cũng có lý trong các hành động như vậy.

Thứ hai, việc cấm hoàn toàn TikTok không phải là giải pháp có thể thực hiện tức thì, bởi pháp luật hiện hành của Mỹ còn nhiều lỗ hổng xung quanh vấn đề này.

"Luật liên bang quản lý đầu tư nước ngoài từ trước đến nay tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia như quyền sở hữu của các nhà thầu công nghiệp quốc phòng, chứ không phải các thuộc tính kỹ thuật số của ứng dụng mạng xã hội. Cựu Tổng thống Donald Trump đã từng thất bại trong nỗ lực cấm TikTok dựa theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977. Đó là chưa kể, làm sao để chính quyền Mỹ bắt 100 triệu người dùng xóa bỏ ứng dụng của họ mà không vi phạm vào các quyền tự do trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp?", ông Glenn S. Gerstell nhấn mạnh.

Thứ ba, cấm TikTok hoàn toàn sẽ đẩy quan hệ 2 nước ra xa hơn trong cuộc đua quyền lực trên thế giới. Chính quyền Mỹ sẽ phải cân nhắc mỗi bước đi, bởi nó đều có khả năng kích động và cô lập Trung Quốc hơn nữa. Đây không phải là điều cả thế giới mong muốn khi hai quốc gia này đóng vai trò trụ cột trong kinh tế và chính trị thế giới.

Theo ông Glenn S. Gerstell, giải pháp cứng rắn nhất sẽ chỉ nên được xem xét khi các biện pháp giảm thiểu và kiềm chế rủi ro không còn hiệu quả.

>> Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?

Tín hiệu tích cực là gần đây TikTok đã thể hiện thái độ sẵn sàng tiết lộ thuật toán nội dung của mình và tiếp tục đàm phán xung quanh yêu cầu đặt dữ liệu người dùng trong lãnh thổ Mỹ. Ông Tập Cận Bình chắc chắn cũng sẽ suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện các hành động gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Mỹ - đối tác chiếm 17% giá trị thương mại của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang nắm giữ khoản nợ gần nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

CEO TikTok Shou Zi Chew chuẩn bị có phiên điều trần tại Mỹ

Dù vậy, ông Gerstell cũng thực sự lo ngại về năng lực do thám của Trung Quốc đối với Mỹ. Vụ việc theo dõi các nhà báo bị phát giác gần đây của Tiktok cho thấy Trung Quốc có năng lực mạnh mẽ như thế nào nếu muốn tác động đến các cuộc bầu cử hoặc thao túng dư luận. Không có lệnh cấm sử dụng TikTok trên thiết bị cá nhân của từng người, nguy cơ phát tán thông tin sai lệch vẫn còn đó.

Theo chuyên gia của CSIS, chỉ khi Mỹ có một bộ luật toàn diện về hạn chế thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân (bao gồm cả khả năng xuất khẩu dữ liệu sang Trung Quốc), thì nỗi lo về giám sát và thu thập dữ liệu từ Trung Quốc mới có thể giảm đi.

Sự cố khinh khí cầu mới đây nhất chỉ là một trong những điểm nhấn trong căng thẳng về vấn đề do thám, thu thập dữ liệu giữa hai nước. Mới ngày 2/2, Thượng nghị sĩ Michael Bennet, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã kêu gọi Apple và Google xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng ngay lập tức trước thềm sự kiện Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, sẽ có buổi điều trần trước Uỷ ban Năng lượng và Thương mại Mỹ vào tháng 3/2023.