Cảnh phim có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp trong Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Ảnh: NVF

Cảnh phim có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp trong Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Ảnh: NVF

Như truyền thông đã phản ánh, trong tập 9 của bộ phim Put your head on my shoulder (Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) được chiếu trên Netflix có xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò khiến cho dư luận bức xúc.

Đây không phải là lần đầu tiên, Netflix chiếu phim có hình ảnh, nội dung không xuyên tạc. Trước đó, vào tháng 5/2020,  khán giả cũng đã phát hiện bộ phim Madam Secretary do CBS sản xuất được phát trên Netflix sử dụng những thước phim quay ở Việt Nam nhưng chú thích địa danh Trung Quốc.

Cho đến nay, đã có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới xâm nhập vào thị trường Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV... Dịch vụ này được các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ đa thể loại về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải bóng đá hấp dẫn trên thế giới…

Đáng nói ở chỗ, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không những không hoạt động một cách công bằng mà tìm nhiều cách để lách khung pháp lý của Việt Nam. Họ vào Việt Nam hoạt động, thu tiền nhưng không nộp thuế. Sự phát triển của thị trường  cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.

Thách thức trước hết là hụt một nguồn thu thuế khổng lồ từ các đơn vị nước ngoài này và Netflix là một ví dụ. Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016, cung cấp dịch vụ phim trả phí, chỉ sau 3 năm, Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao.

Theo ông Trần Văn Úy - Tổng giám đốc SCTV thì “Bán dịch vụ tại Việt Nam, Netflix thu tới 260.000 đồng/thuê bao/tháng, nhưng lại không nộp thuế, không chịu sự kiểm duyệt nội dung. Trong khi đó, doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam khi nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuyên biên giới không nộp thuế nhà thầu, không nộp thuế nhập khẩu”.

Lo ngại hơn, những bộ phim chiếu trên nền tảng Netflix không chịu sự kiểm duyệt nội dung và đây là nguy cơ tiềm ẩn để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc. Trường hợp nói trên, các nhà sản xuất phim ảnh Trung Quốc lồng ghép tinh vi hình ảnh “đường lưỡi bò”, địa danh… sai lệch vào phim đã minh chứng cho điều đó.

Khi để ra sự việc như vậy, trách nhiệm không riêng nhà sản xuất phim, đơn vị mua bản quyền công chiếu cũng phải có trách nhiệm, thậm chí cơ quan kiểm duyệt cũng không thể vô can. Nếu không xử lý nghiêm thì sẽ khó tránh khỏi chuyện tương tự lặp lại. Không thể cứ bỏ tiền ra mua phim về công chiếu thế nào cũng được.

Một biện pháp cấp thiết cần phải thực hiện bây giờ để đưa Netflix vào khuôn khổ pháp lý, nhằm vừa kiểm soát nguồn thu thuế và vừa kiểm duyệt được nội dung.

Nhìn bài học từ một số nước sẽ thấy, Netflix cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật của các nước sở tại. Chẳng hạn: Tại Indonesia, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông nước này yêu cầu Netflix phải thiết lập một văn phòng đại diện tại nước này và thực hiện nghĩa vụ thuế. Được chính thức bước vào thị trường Indonesia, nhưng Netflix gần như mất hiện diện thương hiệu khi chỉ là một đơn vị cung cấp nội dung cho IndiHome, dịch vụ truyền phát phim theo yêu cầu của Telkom.

Tại thị trường Singapore, Netflix phải bắt tay với Singtel - nhà mạng lớn nhất Singapore, để đủ điều kiện kinh doanh. Đầu năm 2018, cơ quan thuế của Singapore đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ 7% với các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.

Điều này cũng có nghĩa, chúng ta đưa Netflix vào luật hóa là đúng, họ hoạt động ở Việt Nam thì phải có trách nhiệm đóng thuế cho Việt Nam. Trước mắt chúng ta cảnh cáo Netflix bằng cách cho tạm dừng hoạt động 1 thời gian để kiểm duyệt nội dung, sau đó bắt họ phải tự kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành vào Việt Nam.

Nếu mắc sai phạm trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm an ninh quốc gia thì tùy theo mức độ mà xử phạt hoặc buộc ngừng kinh doanh. Làm như vậy chúng ta đỡ tốn nguồn lực kiểm duyệt mà vẫn buộc họ phải có trách nhiệm với nội dung trước khi phát hành.

Điều này cũng có nghĩa, cần phải sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình).

Cần phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, trong cả hai lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền. Đó là cách duy nhất để nhà nước vừa thu được thuế từ các dịch vụ nước ngoài, vừa kiểm duyệt được nội dung.