Thế nhưng, đúng như anh Trần Sỹ Sơn – CEO PYS Travel nói, COVID-19 là thuốc thử, là cú đẩy sự chuyển mình của doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn.

- Thưa anh, có thể nói doanh nghiệp du lịch nói chung và PYS Travel nói riêng đã có một quãng thời gian cực kì vất vả. Không biết PYS Travel đã đối mặt “cơn đại hồng thủy” như thế nào?

COVID-19 đúng là cuộc đại hồng thủy đối với doanh nghiệp du lịch. Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, nhiều công ty du lịch, dịch vụ rơi vào “ngủ đông” thậm chí đóng cửa. Chỉ có rất ít doanh nghiệp cố gắng tồn tại để phát triển. Con số này năm 2021 sẽ “bi đát” hơn.

Đối với PYS Travel, mất một khoảng thời gian đầu “choáng váng” nhưng ngay lập tức Ban lãnh đạo công ty đã họp nhau lại và vạch ra các chiến lược cụ thể, cho từng giai đoạn nhỏ.

- Trong năm 2020, PYS Travel đã rất nhanh chóng có những điều chỉnh để thích ứng, vậy đợt sóng 2021 này, “chiến thuật” có gì khác biệt không, thưa anh?

Trước tình hình thực tế, PYS đã chuyển 100% nhân sự và sản phẩm tập trung vào mảng nội địa. Đây là xu hướng của tất cả các công ty du lịch. Việc chuyển sang trục khách hàng nội địa cũng đòi hỏi phải có những sản phẩm phù hợp.

Đơn cử khách du lịch nội địa cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Tuy nhiên, một doanh nghiệp cần phát triển đều cả năm, vì vậy ngoài những tháng cao điểm trên, chúng tôi cũng phát triển các sản phẩm tương ứng để thu hút khách hàng.

- Đợt giãn cách kéo dài vừa qua có làm “phá sản” kế hoạch của PYS Travel?

 PYS Travelp/đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm kết hợp du lịch.

PYS Travel đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm kết hợp du lịch.

Khi dịch bùng phát, đặc biệt là đợt giãn cách xã hội vừa rồi, cảm giác thực sự hoang mang, căng thẳng, không biết hành xử như thế nào.

Tôi đã cùng ngồi lại với nhân viên để tìm hướng đi có thể cầm cự qua dịch. Vẫn còn nhân sự ở đây và "một chút tiền" nếu không bán tour được thì bán gì? Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nghĩ rằng, cách chuyển đổi đơn giản nhất là bán đặc sản vùng miền vì hướng dẫn viên du lịch đều hiểu ẩm thực vùng miền và tệp khách hàng của công ty khá lớn. Ý tưởng đã có và tôi cho triển khai bán các combo rau củ.

- Từ ý tưởng đến thực tế có xa nhau không, thưa anh?

Ý tưởng là một chuyện, thực hành mới thấy có nhiều khó khăn trở ngại. Có nhân viên ngại khó ngại khổ, logistics gặp khó khăn thì vấn đề ship hàng như thế nào, không có người làm thì nhặt rau ra sao…

Khi triển khai không phải tất cả đều đồng lòng. Đã có nhiều người bỏ cuộc và nghỉ việc, nhưng những người ở lại thì rất "máu chiến", tích cực nên tinh thần anh em lên rất cao. Mọi người bán rau, có những hợp đồng 500 box rau...
Bán rau có nguồn thu trở lại, thừa thắng xông lên PYS Travel nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi đã mở thêm các điểm bán hàng mới lớn hơn kết hợp giữa bán online và offline. Thời điểm này mọi thứ đã phục hồi, anh em tự tin hơn trước, mọi người bán hoa quả, thực phẩm thấy cũng bình thường hơn. Chúng tôi sẽ mở thêm 20-30 điểm bán hàng trong năm 2022 và có kế hoạch gọi vốn.

- Điều cốt lõi gì giúp PYS Travel “trụ” được đến thời điểm này, thưa anh?

PYS Travel đã trụ vững đến thời điểm này nhờ văn hoá công ty mọi người đều đồng lòng góp sức. Có nhiều bạn làm việc từ 8h sáng đến 9h-10h tối, chịu nhiều vất vả. Doanh thu con số không lớn nhưng chúng tôi nhận thấy qua đợt dịch này chúng ta còn tồn tại, có công ăn việc làm, tìm thấy điểm sáng để chờ cơ hội khi du lịch quay lại có thể tăng trưởng được thì đã rất hạnh phúc.

- Xin cảm ơn anh!