Đây thực sự là một lời cảnh báo đối với ngành dệt may Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch(KNXK) xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017 và được đánh giá là năm xuất khẩu thành công nhất của ngành Dệt May Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó hàng KNXK hàng may mặc đạt hơn 28 tỷ USD, tăng hơn 14%. Những tháng đầu năm 2019, KNXK hàng may mặc tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng dường như ngành dệt may đang bỏ quên thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân.

Những cảnh báo “thua trên sân nhà” của hàng Việt Nam nói chung và may mặc nói riêng đang dần hiện hữu. Về nguyên lý, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Từ năm 2018, thuế suất hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm mạnh và hướng tới về 0%. Bên cạnh đó, với hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, mới đây nhất là EVFTA, hàng Việt sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về chất lượng và giá thành. Cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại ngày càng gay gắt hơn. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt và tuân thủ “luật chơi”.

Lưu ý rằng, BigC là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong kênh phần phối hiện dại nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của mình. Vì vậy, các nhà cung ứng thay vì phản ứng, hãy có những động thái tích cực để thay đổi mẫu mã chất lượng để đáp ứng tiêu chí “nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng” mà Big C nêu ra trong thông báo.

  Không chỉ hàng may mặc mà các sản phẩm khác cũng sẽ được Big C Việt Nam cơ cấu lại trong thời gian tới.

Với nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường, Big C thừa hiểu tác động của việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng chắc hẳn đó là việc chẳng đừng.

Rất có thể, thông báo mà Big C đưa ra chủ yếu nhằm “xoa dịu” sức nóng của dư luận, sâu xa rõ ràng, các nhà cung cứng Việt Nam đều ngầm hiểu sẽ có nhiều sản phẩm may mặc của các hãng khác và quốc gia khác được thay thế trong kệ hàng của Big C. Big C không quay lưng với thị trường Việt Nam, với khách hàng, bởi với quy mô đầu tư, hệ thống hiện có, chẳng ai lấy đá ghè chân mình

Nhìn rộng hơn, không chỉ hàng may mặc mà các sản phẩm khác cũng sẽ được Big C Việt Nam cơ cấu lại trong thời gian tới. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với luật chơi chung ngày càng khắt khe, khốc liệt.