Cổ phiếu TDH vẫn giữ được sắc xanh trong khi nhiều cổ phiếu khác sập sàn trắng bên mua

Cổ phiếu TDH vẫn giữ được sắc xanh trong khi nhiều cổ phiếu khác sập sàn trắng bên mua

Trong phiên hôm qua, hàng loạt cổ phiếu trên thị trường giảm sâu, trong đó nhiều Bluechips như CTG, MSN, GAS, HSG, POW, PNJ, VRE, MWG, BID…đều giảm sàn. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tăng "nóng" thời gian gần đây như DBC, KSB, DRH, SJS,… cũng bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu TDH tăng giá 0,25% trong khi phiên sáng lình xình ở giá tham chiếu. Chốt phiên 11/6, TDH tăng lên mức 11.540 đồng/cổ phiếu.

Trong 3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu TDH luôn được dòng tiền nóng ưu ái. Phiên giao dịch ngày 11/6 có hơn 5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị 53 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 10/6 có hơn 4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị 61 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù thị trường chung giảm, nhưng cổ phiếu TDH vẫn "lội ngược dòng". Vậy vì sao cổ này vẫn được nhà đầu tư quan tâm như vậy?

HĐQT TDH đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn còn lại tại Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức (Chợ Nông sản Thủ Đức), tương ứng chuyển nhượng hơn 1,8 triệu cổ phần (49% vốn) tại Chợ Nông sản Thủ Đức với giá 48.400 đồng/cp. Tổng giá trị chuyển chuyển nhượng đạt gần 88 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến ngay trong tháng 6/2020.

Được biết, Chợ Nông sản Thủ Đức được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ là 37 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2019, TDH nắm giữ 49% vốn tại Chợ Nông sản Thủ Đức với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Như vậy, nếu chuyển nhượng thành công, lợi nhuận đầu tư mà TDH thu được khoảng 40 tỷ đồng. Trước đó năm 2018, TDH cũng đã thực hiện chuyển nhượng 51% vốn Chợ Nông sản Thủ Đức với giá 34.900 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong những lý do chính giúp cổ phiếu TDH tăng trong những phiên giao dịch vừa qua. 

Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu TDH khó bền vững, bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn còn khó khăn. Kết thúc quý 1/2020, doanh thu thuần đạt 570 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 5,2 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng 50% lên 22,2 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng cao gấp hơn 10 lần cùng kỳ lên gần 22 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 14% lên 16,6 tỷ đồng, khiến TDH bị lỗ ròng 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 17 tỷ đồng.

Theo giải trình của TDH, nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu bán hàng giảm, thị trường bất động sản khó khăn, các dự án mới chưa kịp đưa vào kinh doanh do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong khi các mảng hoạt động kinh doanh khác (thương mại, dịch vụ) đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh toàn cầu.