Như vậy, đã có sự rút ngắn khoảng cách giữa đề xuất của các bên so với phiên đàm phán lần đầu tiên ngày 9/7 vừa qua.

Phiên nhóm họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng không thể đi tới thống nhất giữa các bên

Phiên nhóm họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã không thể đi tới mức điều chỉnh thống nhất giữa các bên.

Có sự thay đổi này là do phía đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nâng mức đề xuất lên 2%, trước đó các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị giãn tiến độ, ngừng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 cho người lao động là 8% so với năm 2018. Tuy nhiên, phía VCCI không đồng ý với đề xuất trên. 

Như vậy, kiến nghị của các bên có thể “gặp nhau” ở mức bao nhiêu sẽ còn phải chờ đến phiên đàm phán tiếp theo. Tới thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phân tích, mức 4-5% có thể là phương án hợp lý đảm bảo quyền lợi cho các bên người lao động và người sử dụng lao động. 

Dự báo này cũng là tương đồng với kịch bản mà bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra, mức tăng khoảng 5,3% cho năm 2019.

Tuy nhiên, đây chỉ là sự tham vấn cho các bên đàm phán, mức chính thức sẽ dựa vào thực tế đàm phán giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN. Bởi Nhà nước chỉ đứng ở vị trí trung gian và định ra “luật chơi” thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách. “Nhà nước thúc đẩy 2 bên thương lượng và thoả thuận. Trong đàm phán lương tối thiểu vùng, câu chuyện cũng như vậy”, ông Doãn Mậu Diệp giải thích.