Là một trong những doanh nghiệp sản xuất cá tra khép kín nhiều năm, vừa bước vào tháng đầu năm 2019, Cty CP Nam Việt đã quyết định đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao rộng hơn 600ha ở huyện Châu Phú (An Giang).

năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được thành tích kỷ lục với con số 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được thành tích kỷ lục với con số 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu 2,4 tỷ USD là khả thi 

Hiện vùng nuôi này đã đi vào hoạt động, nhằm giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu cá tra quanh năm.

“Thị trường xuất khẩu qua các nước bắt đầu mở rộng, giá tốt đã giúp Nam Việt xuất khẩu các sản phẩm cá tra trong năm 2018 ước khoảng 145 - 150 triệu USD”, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Nam Việt chia sẻ.

Được biết, trong năm 2019, với 600 ha dự án Bình Phú, Nam Việt đã có kế hoạch dài hạn để sản xuất ra con giống đạt chuẩn và nguồn cung dồi dào, góp phần phát triển ổn định con cá tra cho công ty Nam Việt nói riêng và ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra nói chung.

Không chỉ riêng Nam Việt, nhiều doanh nghiệp trong ngành cá tra như Cty Hùng Cá, Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cũng được cho là “thắng đậm” trong năm 2018. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lạc quan với sự phát triển của ngành trong năm 2019.

Trao đổi với DĐDN, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi hiện các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận.

"Nhưng mục tiêu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt, “chế biến hết” không để nguyên liệu dư thừa", ông Luân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giá cá tra hiện vẫn đang ở mức cao và ổn định, người nuôi có lãi, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Có cùng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,3 - 2,4 tỷ USD là khả thi. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tuy ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhưng lại tác động tích cực tới một số mặt hàng xuất khẩu. Và cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ.

Được biết, tại thị trường Mỹ, cá tra được coi là sản phẩm thay thế tốt nhất cho cá rô phi Trung Quốc nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng hơn. Gần đây, Mỹ đã áp dụng mức thuế 10% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thêm 25% dự kiến vào tháng 3/2019.

Bên cạnh đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và thực thi, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ mức 5,5% về 0% trong 3 năm (với cá tra thô). Từ mức 7% về 0% trong 7 năm (với cá tra chế biến). Điều này tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đẩy mạnh sản lượng và giá trị mặt hàng này.

“Hiệp định EVFTA được ký kết sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý… Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều đối thủ chưa tham gia", đại diện Cty Nam Việt nhận định.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Trước đó, năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được thành tích kỷ lục với con số 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến hết

Tuy nhiên, theo đại diện Vasep, vẫn còn nhiều thách thức đối với xuất khẩu cá tra, gồm các chương trình tại khu vực châu Âu, Mỹ… về kiểm soát nhập khẩu. Khi vượt qua, đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của cá tra Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.

Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu là yếu tố tiên quyết. “Tổng cục Thủy sản đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn. Cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tốt hơn đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, tận dụng sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng”, ông Luân cho biết,

Để làm được việc này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản nhấn mạnh, doanh nghiệp ngành thủy sản cần phải đầu tư khoa học - công nghệ, tận dụng tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ cho con người, ngành y tế.

“Các phụ phẩm từ cá tra có thể chế biến thành các sản phẩm bột canxi nano giàu dinh dưỡng hay nhiều sản phẩm collagen phục vụ trong ngành mỹ phẩm mang lại giá trị cao”, ông Luân cho biết cụ thể.

Được biết, trong tổng sản lượng chế biến thủy sản trên 7 triệu tấn/năm, phụ phẩm chiếm khoảng 15-20%. Nguồn phụ phẩm này có thể chế biến ra các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành khác nhau. 

Cùng với đó, để phát triển các sản phẩm này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề phát triển thị trường với sự hỗ trợ của toàn hệ thống như các cơ quan tại nước ngoài tìm hiểu điều tra hướng tới giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả nhất.