Cá tra lấp lánh ánh vàng!

Huỳnh Khởi 05/02/2019 06:00

Vượt qua vô vàn khó khăn, “con cá tra” đã làm nên cuộc bứt phá ngoạn mục mang về cho đất nước hơn 2,2 tỷ đô la Mỹ.

Từ một loài thủy sản phục vụ cho bếp ăn gia đình, sau 30 năm hình thành và phát triển sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, khát vọng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu của con cá tra Việt Nam không còn là giấc mơ xa vời nữa.

Vượt qua vô vàn khó khăn, “con cá tra” đã làm nên cuộc bứt phá ngoạn mục mang về cho đất nước hơn 2,2 tỷ đô la Mỹ, một con số cao nhất trong vòng 30 năm xuất khẩu mặt hàng này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính tiên phong của Tập đoàn Sao Mai trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính tiên phong của Tập đoàn Sao Mai trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.

Kho báu của dòng Mê Kông

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Sông Mê Kông dài thứ 12 thế giới còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 thế giới.

Theo ước tính của các nhà khoa học tại Ủy ban sông Mê Kông (MRC), riêng ngành thủy sản tại lưu vực hạ nguồn sông Mekong đã mang lại giá trị 17 tỷ USD/năm, đóng góp 3% GDP cho Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan.

Có thể bạn quan tâm

  • Thách thức nào đang chờ ngành cá tra năm 2019?

    16:08, 28/01/2019

  • Ngành hàng cá tra phát triển nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro

    14:37, 18/01/2019

  • Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong 2019

    05:32, 16/01/2019

Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản tại lưu vực sông Mê Kông hiện nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Không ai biết chính xác cá tra được nông dân ĐBSCL nuôi từ bao giờ. Trong ký ức về thời tuổi thơ của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp): trong những loài cá được nông dân nuôi trong lồng bè cách nay hai thập kỷ, có con cá tra, basa. Nhưng đến những năm sau1994, thì nghề nuôi cá tra mới có thể phát triển mạnh nhờ các nhà khoa học Pháp và Việt Nam đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá tại Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ).

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư và tỉnh An Giang mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam được chia thành hai con sông lớn-sông Tiền và sông Hậu chảy song song gần 100km ban tặng nguồn nước ngọt dồi dào, những giọt phù sa màu mở khó có nơi nào sánh bằng. Phát triển nuôi trồng thủy sản tại lưu vực sông Mê Kông đã góp phần rất lớn trong xuất khẩu nông-thủy sản chiến lược. Con cá tra tại khu vực ĐBSCL đã làm nên kỳ tích khi diện tích nuôi trồng chỉ vài ngàn ha mà đã mang về cho đất nước trên 2 tỷ đô la Mỹ.

Cần lắm những “con sếu” đầu đàn

“Nếu như mỗi năm cả nước xuất khẩu 1 triệu tấn cá tra thành phẩm thì sẽ có gần 2 triệu tấn phụ phẩm chỉ dùng chế biến thức ăn gia súc giá trị rất thấp”.

Với trăn trở làm thế nào nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị cho con các tra Việt Nam, hơn 10 năm trước ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai đã cất công đến nhiều quốc gia để tìm hiểu, lựa chọn công nghệ tinh luyện mỡ cá thành dầu thực phẩm, dầu nguyên liệu với hàm lượng Omega-3 cao để phục vụ cho sản xuất dược phẩm, hóa mỹ phẩm.

Ông Thuấn, bộc bạch: trong những chuyến đi công tác nước ngoài ông đã được biết đến nhiều loại thuốc tây, mỹ phẩm với các nhãn hiệu của nhiều quốc gia khác nhau với công dụng: bổ trí não, điều hòa hoạt động màng tế bào; làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu rất có lợi cho người có bệnh về tim mạch, chống khô da cho chị em phụ nữ…, các loại thuốc, mỹ phẩm này đều có thành phần chiết suất từ dầu cá với hàm lượng Omega-3 cao. Ngẫm lại con cá tra của mình được nhiều nhà khoa học cho biết có hàm lượng Omega-3 cao hơn nhiều loại cá khác thậm chí hơn cả cá hồi nhưng lâu nay chúng ta chỉ lấy phần thịt xuất khẩu, phần còn lại chỉ xem là phế phẩm rất lãng phí, nên mới nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà máy chiết suất dầu cá quy mô lớn để cung ứng cho các nhà sản xuất biệt dược, mỹ phẩm trên thế giới và cũng nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho con cá tra.

Sau nhiều năm tìm kiếm công nghệ, Tập đoàn Sao Mai đã lựa chọn được đối tác là Tập đoàn Công nghệ Desmet (Bỉ) cung cấp công nghệ, năm 2005 Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đa quốc gia IDI, thành viên của Tập đoàn Sao Mai đã khởi công nhà máy tinh luyện dầu cá 300 tấn/ngày tại Khu công nghiệp Vàm Cống (Đồng Tháp). Giữa năm 2013 nhà máy đi vào sản xuất thử nghiệm và đầu tháng 10/2014, sản phẩm dầu cá cao cấp, nhãn hiệu Ranee chính thức có mặt trên thị trường. Ít năm sau IDI đưa nhà máy thứ ăn thủy sản Sao Mai Super Feed công suất 390.000 tấn/năm đi vào hoạt động, đồng thời hợp tác với Viện nghiên cứu Hải sản, chuyên gia Israel thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất cá tra giống. Cho đến thời điểm này, IDI là 1 trong số rất ít khép kín chuỗi nuôi trồng-chế biến chuyên sâu sản phẩm cá tra xuất khẩu với doanh thu trong năm 2018 lên đến 6.500 tỷ đồng.

Đa dạng sản phẩm nhằm gia tăng chuỗi giá trị cho ngành hàng cá tra xuất khẩu là xu hướng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn “xắn tay” nhảy vào như: Tập đoàn Việt Úc vừa khánh thành trang trại sản xuất cá tra giống quy mô 100ha, công suất 1 tỷ con giống/năm tại tỉnh An Giang; Công ty cổ phần Gò Đàng chi 30 triệu đô la Mỹ để đầu tư nhà máy chế biến cá tra ăn liền; Công ty cổ phần thủy sản Cafatex đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho dây chuyền chế biến chuyên sâu sản phẩm cá tra xuất khẩu… Các vùng nuôi cá tra cũng được tổ chức một cách “bài bản” chuyên nghiệp hơn-tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh ngành hàng cá tra thêm nhiều gam màu sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cá tra lấp lánh ánh vàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO