Tráng bánh tại khu du lịch Cần Thơ

Tráng bánh tại khu du lịch Cần Thơ

Từ đầu tháng 5/2020 các khu du lịch ở Cần Thơ đã lần lượt khai trương trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã tung ra các sản phẩm mới hậu dịch bệnh. Trong đó, Công ty Mai Linh Tây Đô cho biết sẽ khai trương tuyến tàu cao tốc cao cấp Cần Thơ - Côn Đảo với sức chở 339 chỗ ngồi, giảm 10% giá vé tàu khi mua trực tiếp. Hay như Du lịch cộng đồng Cồn Sơn cũng công bố sản phẩm mới "Cồn Sơn ngày mới" với các trải nghiệm mới như bắt cá trên cạn, tham quan nghề thuyền thống, xây dựng ngôi nhà nón lá…

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cần Thơ đề nghị các doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch bằng việc xây dựng chương trình kích cầu giảm giá, nâng cao chất lượng sản dịch dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội.

Tại Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang…, hoạt động tái khởi động du lịch cũng diễn ra sôi động. Mỗi địa địa phương đều có các chương trình kích cầu riêng. Mặc dù vậy, đến nay du lịch ĐBSCL mới khôi phục khoảng 40- 50% so với cùng kỳ các năm.

Một chuyên gia du lịch cho rằng, hiện nay, du lịch ĐBSCL còn có một số thách thức. Thứ nhất, sản phẩm du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, không có sự khác biệt nên tính hấp dẫn du khách chưa cao. Thứ hai, ĐBSCL có nguồn nhân lực du lịch thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thậm chí, nhiều du khách còn phản ánh cung cách phục vụ, về hiện tượng chèo kéo và bán hàng giá cao khi tham quan các điểm du lịch như: Chợ nổi, Du thuyền trên sông, Vườn cây ăn trái... Thứ ba, hạ tầng giao thông là 1 trong 3 điểm yếu để phát triển vùng (giao thông, nguồn nhân lực, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị). Song việc đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay tại ĐBSCL so với mặt bằng chung vẫn chưa đáp ứng. “ĐBSCL cần khắc phục được những điểm nghẽn nói trên, thì mới có cơ hội thúc đẩy du lịch phát triển hậu dịch bệnh”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.