Chiều ngày 29/5, Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA) đã công bố hàng trăm sản phẩm kích cầu du lịch sau dịch Covid-19.
Cụ thể, có 57 doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, 36 doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực, 25 điểm đến tham quan, 22 doanh nghiệp lữ hành và 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch đăng ký kích cầu du lịch bằng 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là giữ giá nhưng tăng chất lượng phục vụ; hình thức hai là giảm giá từ 10-50% dịch vụ, thời gian kích cầu được áp dụng từ nay đến cuối năm 2020.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch MDTA: Sau thời gian dài đóng băng, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ đã cho phép nới lỏng giãn cách xã hội và cho mở cửa hầu hết các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh còn kéo dài, hoạt động du lịch sẽ không thể phục hồi ngay được.
Về du lịch quốc tế, do tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát và do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, người nước ngoài chưa được nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nên khả năng phục hồi thị trường du lịch quốc tế cần phải có thời gian. Du lịch trong nước thì người dân vẫn còn tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại nhất là đi du lịch.
Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ VH-TT-DL hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, MDTA tổ chức chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19 để khôi phục hoạt động du lịch, trước tiên là ưu tiên du lịch nội địa, thu hút khách từ các vùng miền đến ĐBSCL tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, trong đó thị trường Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phục hồi sớm, nhưng còn phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới..
Ông Trần Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch An Giang chia sẻ: trong thời gian giãn cách xa hội vì dịch Covid-19, doanh nghiệp rất khó khăn. Dù vậy nhưng vẫn quyết tâm duy trì bộ máy, không để lao động nào mất việc. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động mặc dù doanh nghiệp gập vô vàn khó khăn về chi phí thuê đất, lãi suất vay ngân hàng, trả lương nhân viên nhưng doanh nghiệp vẫn mạnh dạng dùng thời gian tạm nghỉ để đầu tư nâng cấp dịch vụ. Nhờ vậy mà Khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận xác lập 2 kỷ lục: Khu rừng tràm đẹp nhất, chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam.
“Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đầu tư nối dài chiếc cầu này thêm 4.000m nữa để xác lập kỷ lục “chiếc cầu tre dài nhất thế giới. Bên cạnh nâng cấp dịch vụ chúng tôi cũng chủ động giảm 10% giá vé tham quan để kích cầu du lịch”, ông Trí cho biết.
Giám đốc Vietravel Tây Nam Bộ - Lê Đình Minh Thy cho biết, nhằm tham gia vực dậy thị trường du lịch, Vietravel Tây Nam Bộ đã chủ động liên kết hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan để xây dựng các tour có giá tốt nhất, với mức giảm lên đến 22%. Nếu như trước đây công ty chỉ chú trọng khai thác khách đoàn thì nay chuyển hướng sang phục vụ khách lẻ, nhóm vài người trong gia đình với các chuyến đi ngắn ngày.
Đại diện các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng giới thiệu nhiều sản phẩm, gói tour giảm rất sâu để kích cầu du lịch.
Dịp này MDTA cũng đã trao quyết định công nhận cho 10 điểm đến du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2019 cho 10 doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch.
Theo thống kê của các tỉnh, thành phố ĐBSCL, kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2020 toàn vùng ĐBSCL so với cùng kỳ 2019 về tổng số khách đến giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42%.
Có thể bạn quan tâm
10:57, 16/05/2020
07:14, 07/05/2020
03:30, 23/05/2020
04:00, 24/05/2020
05:00, 24/05/2020
16:48, 26/05/2020