Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là dự án Luật do Bộ Công an là đơn vị Chủ trì soạn thảo, theo đó, các lực lượng hiện có gồm: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã không chính quy sẽ được gộp chung và hưởng ngân sách, ngoài ra, quy định về lực lượng này có nhiều nét tương đồng với lực lượng Công an nghĩa vụ trong về các vấn đề: Bồi dưỡng, huấn luyện, hưởng chế độ hàng tháng, được chi trả bảo hiểm, trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận,…

Tháng 10/2020, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm trình bày trước Quốc hội.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang vướng phải không ít ý kiến trái chiều vì cho rằng, đưa lực lượng dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách vào sẽ làm phình to bộ máy thay vì tinh giản - Ảnh: TT

Ngày 12/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ, Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm đã lý giải nguyên nhân phải đưa ra Luật này. Theo ông, thực tế lực lượng này đang tồn tại ở địa phương chứ không phải đến bây giờ có luật này để sinh ra lực lượng mới, chúng ta đã có những văn bản điều chỉnh khác nhau, có cái chưa thành luật nên cần khái quát lại thành luật.

Bộ trưởng Tô Lâm phân tích: “Ví dụ công an xã không chính quy, trong nhiệm kỳ này đã có Luật để trình ra Quốc hội nhưng sau đó được chỉ đạo chờ Luật Công an nhân dân. Công an xã bây giờ phải chính quy, nếu bây giờ ban hành Luật Công an xã trên cơ sở Pháp lệnh công an xã thì nó không phù hợp với Luật Công an nhân dân. Nên quốc hội đồng ý là không đưa chương trình đó vào luật nữa mà xem xét xây dựng Luật cho lực lượng không chuyên trách này. Đây là cơ sở để ra Luật này”

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, Luật này cũng khái quát tổ chức lại, đưa những người dân, những người có trách nhiệm, tâm huyết có đủ điều kiện cùng với lực lượng công an, chính quyền, quân đội để tham gia đảm bảo trật tự an ninh cơ sở.

“Luật này không khác xa mấy với Luật dân quân tự vệ. Với phương thức 4 tại chỗ, lực lượng này rất quan trọng” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Thế nhưng, tại Tổ thảo luận, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, đất nước đang đẩy mạnh việc tinh giản biên chế nhưng nếu lực lượng này ra đời, sẽ có tổng số 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và hưởng ngân sách, liệu có phù hợp?

đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm tại Tổ thảo luận ngày 12/11 - Ảnh: GT

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, các nhiệm vụ đề ra trong Dự án Luật thì không có nhiệm vụ nào lực lượng này có thể chủ trì, vậy đây có phải lực lượng không?

“Khi đưa ra lực lượng nào thì phải có chính sách cho họ kể cả bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, Dự thảo Luật chưa nói đến vấn đề kinh phí bảo đảm cho lực lượng này”, đại biểu Hoàng nhấn mạnh

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cũng cho rằng, “nếu theo tính toán của cơ quan soạn thảo luật, chúng ta sẽ có 1,5 triệu người tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách. Nếu lực lượng này ra đời thì giảm được 500.000 người đang tham gia ở các lực lượng “dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách?”, không phản ánh chính xác thực tế số lượng tăng, giảm.

Bởi, theo báo cáo gần đây thì cả 3 lực lượng dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách trên toàn quốc chỉ có 651.000 người. Như vậy, khi lực lượng này ra đời sẽ tăng lên 800.000 người hưởng ngân sách chứ không phải là giảm 500.000 người như Ban soạn thảo luật đưa ra, đại biểu Hoàng lập luận.

Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng: “Chúng ta nghiên cứu ra lực lượng mà không chính danh, không có tuổi, ngân sách đội lên thì không nên. Nên làm tốt chính sách, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cũ chứ không nên thành lập lực lượng mới”.

Cùng quan điểm với đại biểu Hoàng, đại biểu Nguyễn Văn Chương - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tinh giản biên chế mà lại đưa hết lực lượng này đến hết lực lượng khác vào thì sẽ “phình” bộ máy. Ban soạn thảo Luật nói giảm số lượng nhưng số liệu mà đại biểu Hoàng đưa ra thì đâu có giảm, như vậy sẽ làm rắc rối cho công tác lãnh đạo.