Tổng cục Hải quan tiếp tục có văn bản gửi lãnh đạo Quốc hội, các ủy bản của Quốc hội kiến nghị sửa đổi những chồng chéo trong dự thảo Luật Biên phòng.
Trước đó vào ngày 04/11/2020, Tổng cục Hải quan đã trực tiếp trình bày ý kiến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại cuộc họp do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức có sự tham gia Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban pháp luật Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Biên phòng.
Theo Tổng cục Hải quan, về kiến nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, tại cuộc họp, tất cả thành viên tham dự nhất trí sửa theo nội dung khoản 5 Điều 23 Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Do vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị nội dung này quy định như sau: Trên cùng một địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.
Các kiến nghị tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật Biên phòng trong dự thảo mới nhất vẫn quy định giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Bộ đội biên phòng trong việc kiểm soát qua lại biên giới nói chung và kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng có bổ sung thêm vào cuối các khoản trên cụm từ “theo quy định của pháp luật”, cụ thể: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Đỗ Quang Thành, việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên phải gắn với khoản 2 Điều 15 dự thảo quy định “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” và sẽ có ý kiến tham gia với Chính phủ khi xây dựng Nghị định.
Còn tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Dự thảo Luật Biên phòng mới nhất vẫn quy định nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật. Quy định này không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát xuất nhập cảnh, được hiểu là kiểm soát cả người và phương tiện xuất nhập cảnh dẫn đến quy định về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Tổng cục Hải quan cho rằng, điều này chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan 2014. Theo đó, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động,.. đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng theo nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao tại Luật Hải quan.
"Nếu những quy định trên được thông qua. sẽ dẫn đến 02 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh, không phù hợp với chủ trương của Đảng, các cam kết quốc tế và các quy định pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải...", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Còn phụ lục 8 của Hiệp định giữa Chính phủ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới quy định, khi phương tiện tạm nhập vào nước chủ nhà phải nộp chứng từ tạm nhập phương tiện cho cơ quan hải quan để thực hiện thủ tục kiểm tra, giám sát phương tiện, không quy định thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng.
Tổng cục Hải quan cho rằng, thực tiễn tất cả các nước trên thế giới thì cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã nhấn mạnh giải pháp “rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”.
“Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014 thì trong địa bàn hoạt động mình, Cơ quan Hải quan được Luật Hải quan giao chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý…”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm