Nga - Ukraina bên miệng hố chiến tranh

Nga - Ukraina bên miệng hố chiến tranh

>> LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Biết mình rồi hẵng biết ta

Chẳng có cuộc chiến nào mang lại niềm vui cho tất cả, như Bác Hồ nói “Trước lòng bác ái thì máu Việt hay máu Pháp đều là máu, người Pháp hay người Việt đều là người”.

Mỗi năm người Việt Nam mình có rất nhiều dịp nhắc lại kỷ niệm các cuộc chiến tranh vệ quốc - dĩ nhiên, nhắc lại, ghi nhớ là một đặc tính của lịch sử để đừng mai một lãng quên.

Nhưng có những cuộc chiến mà bên thắng cuộc cứ tưởng nhớ giọt máu đào trong thinh lặng; và có những cuộc trường chinh mà càng nhắc nhiều càng không có lợi cho đại cục phía trước. Tôi ước gì, đừng có cuộc chiến nào xảy ra. Được chứ?

Ồ, hẳn là khó, Marx chắc nịch “lịch sử loài người từ khi có nhà nước đến nay chính là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Thế nhưng, lịch sử loài người vẫn ghi nhận hằng hà sa số cuộc chiến đẫm máu vì lòng ích kỷ, tham lam, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vì trò chơi chưa bao giờ hạ màn của cái gọi là “nước lớn”.

Ukraina từng là một thành trì bất khả xâm phạm, họ cầu thị đến mức giao nộp tất cả sức mạnh chiến lược quốc gia vì tiếng gọi hòa bình. Bây giờ anh em sinh ra từ một quả trứng Slav có thể phải giải quyết nhau bằng bom đạn.

Vì điều gì? Vì ý chí của mỗi bên không giống nhau, vì người lớn kẻ bé, vì đa đoan nghi kỵ lẫn nhau; vì các siêu cường muốn thế! Vì thế giới VUCA nên mạnh ai nấy được!?

Khi một nước nhỏ bị nước lớn uy hiếp người ta mới thấm thía chân lý của tuyên ngôn cách mạng Pháp “công bằng, bình đẳng, bác ái”. Sở dĩ, các tôn giáo có thể trường tồn nhờ dựa trên nền tảng này.

Mỗi con người đều có nghiệp quả, một cộng đồng cũng có nghiệp quả và một quốc gia cũng có nghiệp quả do chính mình tạo ra. Chính vì vậy, chẳng có đế chế nào tồn tại dựa trên cường bạo; chực chờ mưu mô ăn tươi nuốt sống láng giềng.

Có thể xem Việt Nam là một dân tộc nhỏ biết cách “lấy chí nhân thay cường bạo, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”. Vì mọi cuộc chiến đều máu đổ đầu rơi, trạng chết chúa băng hà.

Mỹ sa lầy ở Việt Nam hồi giữa thế kỷ trước và 2 thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21 chứng kiến 4.000 tỷ USD đổ vào Trung Đông nhưng không thể dập tắt phiến quân thánh chiến. Bây giờ các thế lực mới nổi muốn nối gót chăng?