Là một nước sản xuất và xuất khẩu nông sản thuộc top đầu trên thế giới về sản lượng, đồng thời cũng là một thị trường tiêu dùng năng động với hơn 100 triệu dân, nhu cầu về chuỗi cung ứng lạnh, mát tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Đầu tư kho lạnh cho thuê là mô hình đang được nhiều đơn vị lựa chọn. Ảnh: kho lạnh của công ty Đức Hưng tại Văn Lâm, Hưng Yên

Đầu tư kho lạnh cho thuê là mô hình đang được nhiều đơn vị lựa chọn. Ảnh: Kho lạnh của Công ty Đức Hưng tại Văn Lâm, Hưng Yên

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Công Thương từ thời điểm năm 2019, hệ thống kho lạnh dịch vụ ở trong nước đã có tỷ lệ khai thác rất cao ở mức 90%. Việc này cho thấy nhu cầu sử dụng kho lạnh ngày càng gia tăng, trong khi khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp logistics trong nước đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo Báo cáo thị trường kho lạnh, vận tải lạnh Việt Nam do Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương cập nhật đến tháng 5/2021, trong nước chỉ có một số kho đông lạnh lớn có quy mô tương đối gồm: Kho đông lạnh tại Trung tâm logistics Thăng Long; Kho đông lạnh Nam Hà Nội tại Cụm Công nghiệp Quất Động – Thường Tín – Hà Nội; Kho lạnh của Transimex; Kho lạnh của HVG tại khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP.HCM); Trung tâm phân phối lạnh của ABA Cooltrans tại Thủ Đức; Kho lạnh sâu của VNVC.

Bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho rằng, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, khoảng 30 - 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho tăng mạnh và các kho lạnh phải hoạt động tối đa công suất.

Với chuỗi cung ứng lạnh cho các doanh nghiệp thuỷ sản không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, theo bà Trang Bùi, đây là lúc mà các nhà khai thác cần tận dụng cơ hội để đầu tư các trung tâm kho lạnh trong ngành hàng này.

Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp thì rất ít DN trong nước, kể cả DN logistics đủ tiềm lực

Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp thì rất ít DN trong nước, kể cả DN logistics đủ tiềm lực đầu tư một kho lạnh đủ tiêu chuẩn. Ảnh: Kho lạnh có mức đầu tư hơn 1300 tỷ đồng của công ty thủy sản Hùng Vương.

Có cùng quan điểm, ông Michael Ignatiadis, Giám đốc Chuỗi cung ứng và Hậu cần, JLL Châu Á Thái Bình Dương cho rằng tỷ lệ dân số và tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại Châu Á làm tăng nhu cầu mua thực phẩm tươi ngon cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu về kho lạnh.

"Tiềm năng của kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay. Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống" - Forrester khuyến nghị.

Tiềm năng là của kho lạnh trong chuỗi giá trị logistics là rất lớn nhưng theo chia sẻ của một doanh nghiệp kho vận có trụ trở tại Thanh Trì (Hà Nội) với Diễn đàn Doanh nghiệp thì doanh nghiệp này vẫn chưa thể triển khai do chưa tìm được vị trí đất thích hợp và suất đầu tư ban đầu khá lớn, gấp 2,5-3 lần nhà kho.

Về vấn đề này, theo bà Trang Bùi chính chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp 2-3 lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến 6 tháng, bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 - 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia việc khuyến khích các doanh nghiệp nội địa rót vốn đầu tư vào kho lạnh phục vụ cho ngành hàng nông sản rất cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa trong lúc này.

Bởi lẽ, một nghiên cứu nhằm đo lường tổn thất nông sản thực phẩm và sử dụng chuỗi lạnh tại Việt Nam từng chỉ rõ, có đến 25,4% sản phẩm nông sản được sản xuất bị hư hỏng trước khi được đưa đến các nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối.