Doanh nghiệp kiến nghị xây thêm kho lạnh dự trữ hàng hoá, thực phẩm

Thy Hằng 16/04/2020 18:20

Do dịch COVID-19 thực phẩm tiêu thụ chậm, hàng hoá xuất khẩu bị đối tác tạm ngừng khiến nhu cầu trữ hàng tại các kho lạnh tăng cao, tuy nhiên, số kho lạnh hiện không đáp ứng đủ...

Do nhu nhu cầu trữ các loại hàng thực phẩm gia tăng đột biến vì tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Hiện, các doanh nghiệp cho biết gặp khó trong thuê kho lạnh để bảo quản hàng hoá.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội dể doanh nghiệp nhìn lại, tái cơ cấu để phù hợp".

Các kho lạnh đã “hết chỗ” đến hết tháng 4

Đóng góp ý kiến tại cuộc đối thoại với TP Hà Nội chiều 16/4, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp có nhu cầu thuê kho lạnh tăng rất nhiều do sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như thịt, trái cây chậm lại vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, lại khó thực hiện thuê kho lạnh do nhiều kho lạnh đã đầy hàng cho đến hết tháng 4 năm nay nên không thể nhận thêm hàng dù nhu cầu đang rất lớn.

Không chỉ Vingroup, nhiều doanh nghiệp cho biết có nhu cầu trữ các loại hàng thực phẩm gia tăng đột biến vì tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng không thuê được. Đặc biệt trong đó, nhiều doanh nghiệp có hoạt động chế thủy sản cho biết gặp khó.

Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các kho lạnh còn góp phần giúp doanh nghiệp chủ động trong các giao dịch ký hợp đồng với quốc tế, nâng cao giá trị cho nông sản. Tuy nhiên, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Được biết mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây kho lạnh. Trong đó, VASEP kiến nghị được hỗ trợ lãi suất 0% trong hai năm đầu và giảm lãi suất 50% trong bốn năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet (cố định hàng hóa có quy cách trung bình là 120x100x150cm) trở lên. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hai năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Trả lời đề xuất này của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư xây dựng chuỗi kho lạnh để thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tạo điều kiện chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội đảm bảo không có tiêu cực trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19

    18:23, 16/04/2020

  • Doanh nghiệp Hà Nội đề xuất phương án vừa sản xuất vừa chống dịch

    17:35, 16/04/2020

  • Bất chấp “bão dịch”, Vietnam Airlines muốn mua thêm 50 máy bay

    17:00, 16/04/2020

  • Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị "nới" thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp

    16:25, 16/04/2020

  • Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ: "Hà Nội sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư"

    15:17, 16/04/2020

Cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP cũng trực tiếp trả lời 47 nội dung ở 11 lĩnh vực của các doanh nghiệp. Cụ thể, về vệc bảo vệ các điểm bán hàng, Hà Nội đã triển khai các lực lượng và tiếp tục đôn đốc, yêu cầu thực hiện tốt hơn. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, TP luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng cũng như các các công trình xây dựng, cải tạo giao thông, lòng đường vỉa hè, đảm bảo đúng quy định phòng dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Về việc cải cách hành chính, đến nay TP đã triển khai 1.818 thủ tục dịch vụ công từ phường đến các sở ngành. 82% các thủ tục đã được triển khai ở mức độ 3,4. Về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bị chậm do ảnh hưởng liên quan dến vụ án ở công ty Nhật Cường, Chủ tịch UBND TP cho biết đã kiến nghị Bộ Công an khẩn trương điều tra, kết luận vụ án Nhật Cường để dịch vụ công của TP được thực hiện thông suốt.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời. Trước đề xuất của các doanh nghiệp về việc thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, khởi ngiệp sáng tạo, Hà Nội sẽ nghiên cứu sớm triển khai.

“Thành phố vừa qua đã đưa vào hoạt động ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có thể phản ánh các kiến nghị qua tiện ích của phần mềm này và thành phố sẽ tiếp nhận giải quyết ngay. Các hiệp hội cũng có thể tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp hàng ngày, TP sẽ tiếp nhận xử lý ngay”, Chủ tịch UBND TP nói thêm.

Nêu rõ việc ở Hà Nội các hộ kinh doanh cá thể, lao động trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị tác động nặng nề nhất, Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh: "Dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội dể doanh nghiệp nhìn lại, tái cơ cấu để phù hợp, cũng là dịp để thành phố tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp”.

Về hành trình phòng chống COVID-19 của Việt Nam đã sang tuần thứ 13, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý qua kinh nghiệm các nước, phương án tối ưu nhất là sau khi ca bệnh cuối cùng chữa khỏi thì vẫn phải tiếp tục cách ly triệt để ít nhất 2 tuần và áp dụng các biện pháp chống dịch, chống tình trạng dịch bệnh tái bùng phát.

“Có như vậy, chúng ta mới có điều kiện an toàn để “lò xo” kinh tế bật lại với tư thế thoải mái, phát huy hết năng suất, chứ không bị gò bó”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kiến nghị xây thêm kho lạnh dự trữ hàng hoá, thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO