>> Doanh nghiệp phân bón chịu tác động từ căng thẳng Nga- Ukraine

Trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty CP SX & TMTH Cường Phát, nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông cho biết, giá phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do những diễn biến tăng theo giá thế giới, sẽ gây khó với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Hiện giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Giá ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; phân DAP ngưỡng 18.500-19.000 đồng/kg; NPK ngưỡng 16.000-16.500 đồng/kg...

- Giá phân bón tăng cao tác động như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, thưa ông?

Các nước trên thế giới đang dần phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ phân bón đang ở mức cao. Trong khi đó, nhiều nước xuất khẩu phân bón lớn khác như Nga đang hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới nên đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Đặc biệt, việc giá xăng dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng. Vì đây là nguyên liệu chính, cơ bản để sản xuất các loại phân bón. Đặc biệt, xăng dầu còn là nguyên liệu trực tiếp để sản xuất một số loại phân bón vô cơ như phân đạm, phân urê…

 Khối lượng nhập khẩu các mặt hàng phân bón từ đầu năm đến 15/3/2022, ĐVT: tấn. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Khối lượng nhập khẩu các mặt hàng phân bón từ đầu năm đến 15/3/2022, ĐVT: tấn. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Cùng với đó, trong ngành sản xuất phân bón, nhiều nguyên liệu sản xuất của Việt Nam chưa tự sản xuất trong nước mà vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài như phân bón DAP, MAP, thậm chí có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như Kali, đạm sunphat.

Rõ ràng đà tăng giá của mặt hàng phân bón được thấy rõ hơn từ đầu năm nay và tăng phi mã khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 vừa qua. Do đó, việc giá nguyên liệu tăng, giá xăng dầu tăng, chi phí logistics tăng… “đè nặng” nên doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, giá phân bón trong nước cũng “không thể khác” được nên tăng mạnh theo. Thậm chí, giá phân bón có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trong năm nay.

- Việc giá phân bón lập đỉnh sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh của nông hộ và doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng lại là cơ hội với doanh nghiệp xuất khẩu phân bón. Vậy làm sao hài hoà lợi ích các bên, thưa ông?

Việc Trung Quốc và Nga giảm sản lượng xuất khẩu cũng tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng được giá xuất khẩu. Động thái này có thể làm gia tăng sức cạnh tranh của các công ty sản xuất phân bón Việt Nam. Tuy nhiên ước tính, chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất nông nghiệp, khoảng 50%. Điều này đồng nghĩa giá phân bón tăng làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

>> Giá phân bón "chạm nóc", doanh nghiệp "than khó"

jg

Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất nông nghiệp, khoảng 50%. Điều này đồng nghĩa giá phân bón tăng làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, khuyến cáo nông hộ cũng cần tìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện “5 đúng”: Bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp...

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà máy sản xuất phân bón trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ. Đồng thời, giảm sử dụng và phụ thuộc vào phân bón vô cơ, tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp.

Về lâu dài, cần có phương án giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tự chủ nguyên liệu, tránh phụ thuộc nhập khẩu và hạ nhiệt giá phân bón trong nước.

- Hiện có ý kiến cho rằng, để “hạ nhiệt” giá phân bón trong nước, cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón, ý kiến của ông như thế nào?

Mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón. Bên cạnh phân bón SA và Kali đang nhập khẩu hoàn toàn, phân bón DAP và MAP nhập khẩu một phần thì phân lân và NPK được sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu của ngành trồng trọt.

Riêng với phân bón Urê, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã vượt xa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sản lượng phân bón Urê từ các nhà máy trong nước đã đạt 2,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ cần 2,2 triệu tấn.

Cùng với đó, quý 1 và đầu quý 2 là thời điểm vào vụ thu hoạch nên nhu cầu sử dụng phân bón chưa cấp thiết. Do đó, hoạt động xuất khẩu vẫn là cần thiết để điều tiết hài hòa giữa hoạt động tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.

Đặc biệt, về lâu dài, việc hạn chế xuất khẩu phân bón, trong khi sản xuất đang dư thừa sẽ tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, không nên tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón. Thậm chí, nếu không cho xuất khẩu thì việc kéo giá phân bón xuống là rất khó.

- Xin cảm ơn ông!