Do đó, một trong những nhiệm vụ quan về công tác nhân sự Đại hội XIII đó là cần phải loại bỏ được những đảng viên như thế để tăng cường sức chiến đấu của Đảng.

Khi đề cập về nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các tổ chức Đảng phải tinh tường, thận trọng trong giới thiệu, lựa chọn cán bộ “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong.” Nhưng, làm thế nào để phát hiện, loại bỏ được những cán bộ đảng viên có tư tưởng “mũ ni che tai” không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Theo đó, trong sinh hoạt Đảng, tình trạng né tránh, im lặng giữ thế bình yên, ngại va chạm, sợ trù úm… vẫn là một thực tế. Có đảng viên khi sinh hoạt chi bộ chẳng có một ý kiến nào đóng góp trong nội dung sinh hoạt, còn góp ý thì chẳng bao giờ.

Có nhiều ý kiến phản ánh khi nói: “Tính chiến đấu của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ thường biểu hiện ở những đảng viên đứng tuổi, còn những đảng viên trẻ hãy còn ngần ngại lắm, vì họ là lớp cán bộ còn nằm trong diện quy hoạch, đào tạo, luân chuyển. Thậm chí, một số đảng viên có chức có quyền không gương mẫu, chưa liêm trong cuộc sống, tỏ ra gay gắt khi đồng chí, đồng đội góp ý. Đôi mắt lúc nào cũng lườm lườm làm cho tinh thần sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, có khi căng thẳng”.

Nói như ông cha ta là “mũ ni che tai” rồi “im lặng là vàng”. Im lặng để đạt được mục đích cá nhân, không dám đấu tranh với những hiện tượng sai trái, không bảo vệ cái đúng. Vậy những người đó có còn xứng đáng là cán bộ, đảng viên nữa không?

Ở những tổ chức cơ sở Đảng có biểu hiện như trên rất cần tính chiến đấu của đảng viên. Nhiều đảng viên đồng tình và mạnh dạn góp ý, có ý kiến bảo vệ cái đúng, việc sai khi đồng chí mình nêu ra ắt hẳn hiệu ứng của sự góp ý sẽ mang lại hiệu quả, làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng. 

Cũng liên quan đến việc củng cố tính chiến đấu của Đảng, từ khóa XI đến nay, một loạt quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm… để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ, trong đó phải kể đến Quy định số 262-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…

Vẫn còn đó bài học về Nguyễn Xuân Anh, người từng làm tới Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XXI và nổi tiếng với những câu nói “có gang, có thép” như “tham nhũng là có tội với nhân dân, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân.”

Thế nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vào cuộc, kiểm tra lại “lộ” ra hàng loạt vi phạm, khuyết điểm của ông trong nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên..v..v.

Đó là câu chuyện đáng buồn, tiêu biểu cho một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đã mắc phải bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Tất cả những điều trên, đều ảnh hưởng đến tính chiến đấu của từng cơ sở Đảng. Mà mỗi cơ sở lại là cầu nối, một mắt xích quan trọng trong quá trình vận hành bộ máy Đảng. Nên một vấn đề đặt ra ở đây là cần phải tăng sức chiến đấu của từng cơ sở Đảng. Ở đó, tinh thần phê bình và tự phê bình nên được phát huy một cách nghiêm túc, không hình thức.

Song song, một nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sắp tới là phải lựa chọn ra được những đảng viên, cán bộ, (đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược) phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để luôn duy trì, củng cố tính chiến đấu của Đảng trong lòng mỗi cơ sở Đảng.

 Bởi vì, ở trong một hệ thống chính trị, nếu không có bản lĩnh chính trị, sẽ rất dễ nghiêng ngả theo kiểu “gió thổi về đâu thì ngả về đó”. Không có bản lĩnh chính trị vững vàng rất dễ bị kẻ địch lợi dụng. Sâu xa hơn, nó ảnh hưởng đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.