Mới đây, Đơn vị kiểm toán CPA Việt Nam đã đưa ra hàng loạt kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng của Tổng CTCP Sông Hồng (SHG).

Đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu gần 141 tỷ đồng và khoản nợ phải trả là gần 387 tỷ đồng của Tổng Công ty và các công ty con tại thời điểm 30/6/2020.

Tổng công ty Sông Hồng sẽ thoái hết vốn nhà nước vào cuối 2020

Tổng công ty Sông Hồng sẽ thoái hết vốn nhà nước vào cuối 2020

Theo CPA, do cách thức quản lý của các công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia soát xét hàng tồn kho tại ngày 30/6/2020 của các công ty con. Do đó không thể đánh giá được giá trị cần dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị 209 tỷ đồng.

Tại kết luận, CPA cho biết, theo bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm ngày 12/4/2018 của Toà án Nhân dân TPHCM và Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ, Hà Nội về việc Tổng công ty Sông Hồng còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn (của số tiền nợ gố hơn 95 tỷ) chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) kể từ ngày tiếp theo của xét xử sơ thẩm (19/6/2017).

Tuy nhiên, Tổng công ty chưa hạch toán số lãi quá hạn kể từ ngày 19/6/2017 đến 30/6/2020. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không có cơ sở để có những điều chỉnh cần thiết của số tiền lãi quá hạn phải trả này.

Cũng theo CPA, Tổng công ty chưa thu thập được báo cáo tài chính cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020 của CTCP Sông Hồng Đà Nẵng là công ty con của Tổng công ty (do công ty này đã dừng hoạt động và không có cán bộ quản lý và kế toán). Số liệu để hợp nhất báo cáo này là năm 2016. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng về số liệu tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu lần lượt là 51 tỷ, 62 tỷ và âm 11 tỷ.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng chưa thu thập báo cáo 6 tháng 2020 của một số công ty liên kết là CTCP Sông Hồng 36, CTCP XNK và Xây dựng Sông Hồng, CTCP Sông Hồng Sài Gòn, CTCP Sông Hồng 8, CTCP Sông Hồng Bình Tây, CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội, CTCP Tư vấn Xây dựng Sông Hồng với giá trị đầu tư là 32 tỷ đồng.

Và các công ty nhận đầu tư dài hạn khác như CTCP Sông Hồng Đại Phát, CTCP Đầu tư Xây dựng Sông Hồng 9, CTCP Sông Hồng 6, CTCP Reenco Thăng Long với giá trị hơn 6 tỷ.

Về việc Tổng công ty đã cho bà Lê Thị Minh Nguyệt và CTCP Địa ốc Sông Hồng thuê phần diện tích tạm tính của khu văn phòng và khu dịch vụ thuộc dự án Nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 đơn vị kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng về ảnh hưởng của vấn đề này đến báo cáo tài chính. Bởi theo đơn vị kiểm toán, năm 2018, Tổng công ty đã hạch toán tăng bất động sản đầu tư với giá trị 56 tỷ đồng, hạch toán toàn bộ doanh thu dự án với giá trị 79 tỷ đồng và trích trước giá vốn dự án với giá trị 56 tỷ đồng khi thủ tục quyết toán dự án chưa hoàn thành. 

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, tại ngày 30/6/2020, lỗ luỹ kế của Tổng công ty tới 1.002 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 695 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 642 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm hơn 830 triệu đồng.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng giảm nhẹ xuống 1.362 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm 1.522 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ 880 tỷ đồng. Tổng công ty đã phải trích lập 245 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Nợ xấu tín dụng nên Tổng công ty không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.

Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Trong khi đó, Ban giám đốc Tổng công ty đánh giá sẽ tiếp tục duy trì hoạt động trong ít nhất 12 tháng tới bằng việc thu hồi các khoản công nợ, kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.

Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành xây dựng và một thời là “con cưng” thuộc Bộ Xây dựng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết Tổng công ty Sông Hồng đã hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 2/6/2010 với vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Hiện tại, vốn nhà nước do Bộ làm đại diện sở hữu nắm hơn 13,2 triệu cổ phần, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Theo Bộ Xây dựng, tháng 8/2016, Bộ đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện tổng công ty bằng việc “thay máu” lãnh đạo cấp cao, tái cấu trúc vốn, tái cấu trúc tài chính, thu hồi vốn cùng công nợ, tái cơ cấu nợ và tái khởi động công tác chuẩn bị các dự án.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, những năm gần đây, tổng công ty gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng.

Trước tình trạng thua lỗ, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang triển khai công tác thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước ngày 30/11/2020. Trường hợp không thoái vốn thành công sẽ chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Hiện, trong danh mục tài sản bất động sản của Tổng công ty Sông Hồng hiện nay, đáng chú ý có 2 lô đất số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là trụ sở của SHG và 1 lô tại Chi nhánh Lào Cai, dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (Vĩnh Phúc), dự án nhà ở cán bộ công chức Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm Hà Nội) rộng 2,6 ha, Dự án Lĩnh Nam. Tuy nhiên phần lớn các dự án này đều đang treo dở dang.

Với dự án Khách sạn Royal Sông Hồng, có tổng vốn đầu tư là 36,7 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép Tổng công ty được tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Cùng với sự đi xuống của hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu cũng rơi sâu. Tại thời điểm IPO, có nhà đầu tư đặt lệnh mua 6,7 triệu cổ phiếu này với giá 22.290 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50% so với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu.

Lên sàn từ năm 2015, giá cổ phiếu SHG từ mức khởi điểm 9.600 đồng/cổ phiếu nay đã rơi xuống 2.000 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.