Thiếu những doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, nông sản Việt sẽ mãi phụ thuộc mối quan hệ bị động, hàng hóa chỉ vào được khu vực giá rẻ.

Thiếu những doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, nông sản Việt sẽ mãi phụ thuộc mối quan hệ bị động, hàng hóa chỉ vào được khu vực giá rẻ.

Trung Quốc là một trong thị trường quan trọng trong khối quốc gia RCEP và quan trọng với Việt Nam. Việc có RCEP đang mở ra cánh cửa để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch Việt Nam – Trung Quốc và cân bằng giữa xuất siêu – nhập siêu của 2 quốc gia. Những ngày đầu năm 2022 tình trạng hàng hóa ùn ứ ở các cửa khẩu từ Việt Nam xuất qua Trung Quốc cho thấy dường như trong nhiều lĩnh vực hàng hóa có thói quen “bán chợ”, xuất tiểu ngạch, chúng ta chưa ý thức được về câu chuyện RCEP. Trái cây của Việt Nam đang thiệt thòi vì sự thiếu ý thức của chính ta.

Trong khi đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, hưởng lợi RCEP với cửa đang rộng mở, trái cây nói riêng và nhiều loại hàng hóa khác của VN lại cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn, và quan trọng là cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm... Thiếu “mắt xích” này, nông dân và thương lái Việt vẫn sẽ mãi phụ thuộc mối quan hệ bị động với bạn hàng lớn, hàng hóa chỉ được vào khu vực giá rẻ...

Mà, điều đó tới đây sẽ ngày càng hẹp khi qua RCEP, nhiều hàng hóa, trái cây đang tươi xanh của các quốc gia khác cũng đang đến được những thị trường lớn trong khối với thuế suất bằng 0. RCEP đã khởi động chuyến tàu của mình từ đầu năm 2022 nhưng trái cây Việt lại vẫn đang chưa thể “lên tàu”.