Các FTA thế hệ mới như RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn động lực to lớn để xuất khẩu tiếp tục gặt hái những thành công vang dội như trong thập kỷ trước.
Dù RCEP được đánh giá đặc biệt, nhưng thực trạng ở thời điểm sắp có hiệu lực này lại ngược lại.
Kỳ vọng lớn
Xét trên tổng thể, RCEP không những là thị trường khổng lồ với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, mà đây cũng chính là khu vực kinh tế phát triển sôi động bậc nhất thế giới, đạt nhịp tăng 4,47%/năm trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 3 lần so với phần còn lại của thế giới. Do đó, tỷ trọng trong “rổ GDP” thế giới trong cùng kỳ cũng tăng mạnh từ 24,7% lên 30,8%.
Về thương mại, RCEP cũng là khu vực buôn bán sôi động bậc nhất thế giới, bởi tỷ trọng trong “rổ hàng hoá xuất khẩu” của thế giới trong 10 năm qua cũng đã tăng từ 26,85% lên 30,82%, do đạt nhịp tăng 2,8%/năm, cao vượt trội so với 0,8%/năm của phần còn lại của thế giới.
RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, nên được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, đặc biệt RCEP sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí có khả năng cải thiện nhập siêu cho Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc cũng như một số đối tác ngoài ASEAN khác, đặc biệt là trong dài hạn. Ngoài ra, RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhờ quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác.
Tìm câu trả lời
Dù RCEP chưa có hiệu lực thi hành, nhưng những số liệu thống kê xuất, nhập khẩu cho tới thời điểm này lại cho thấy triển vọng của Hiệp định này gần như ngược lại so với kỳ vọng nói trên. Trong tổng mức tăng xuất khẩu xấp xỉ 31 tỷ USD ra thị trường thế giới trong 5 tháng vừa qua so với cùng kỳ, xuất khẩu sang các đối tác RCEP chỉ tăng 8,54 tỷ USD, chỉ chiếm 27,6%, trong khi nhập khẩu tăng tới 27,1 tỷ USD, chiếm tới 76,7%. Và cũng chính do sự lệch tốc này, nhập siêu từ khu vực thị trường này vốn đã “khủng” với gần 25 tỷ USD và 59% đã tiếp tục tăng “khủng” lên 43,5 tỷ USD và 85,5%.
Trong đó, điều hết sức trớ trêu chính là “nỗi ám ảnh nhập siêu” lớn từ Trung Quốc kéo dài gần 2 thập kỷ qua đã tăng gần gấp đôi, từ 12,4 tỷ USD và 77,6% lên 23,5 tỷ USD và 115,8%. Ngoài ra, nhập siêu từ Hàn quốc và ASEAN cũng đã tăng mạnh, tất cả đều do sự lệch tốc giữa xuất và nhập khẩu ở những mức độ khác nhau.
Nếu xét theo nhóm hàng, triển vọng sáng sủa đối với hàng nông, thuỷ sản, cũng như dệt may như kỳ vọng cũng chưa xuất hiện.
Trong khi đó, thị trường Hoa kỳ mới chính là “phao cứu sinh”, một mặt do xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh 12,33 tỷ USD, chiếm tới 39,8% trong tổng mức tăng xuất khẩu; còn nhập khẩu hầu như không tăng, cho nên xuất siêu tiếp tục đạt kỷ lục chưa từng có 31 tỷ USD và 481,5%.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa phải chăng những “lời có cánh” khi RCEP được ký kết đều không hiện thực, hay là những xu thế biến động của thị trường thế giới gần đây đã đẩy chúng ta vào tình thế không mong muốn hiện nay, hay là chúng ta sẽ đảo ngược được tình thế khi RCEP có hiệu lực, hay là phải chờ trong dài hạn...? Dù theo hướng nào và bằng những phương cách gì, thì có lẽ câu trả lời vẫn phải thuộc về các nhà quản lý.
Có thể bạn quan tâm
TS Lê Đăng Doanh: "RCEP gây sức ép rất lớn đến doanh nghiệp Việt"
14:15, 10/03/2021
RCEP: Cạnh tranh khốc liệt trong nội khối
00:01, 24/02/2021
RCEP sẽ tạo đà cho ngành dệt may phát triển mạnh trong năm 2021
08:00, 21/02/2021
Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP
04:50, 28/01/2021
RCEP và cơ hội thu hút đầu tư FDI
15:45, 20/01/2021
RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam
15:34, 15/01/2021
Thu hút đầu tư vào Việt Nam với RCEP
11:00, 11/01/2021