Bộ phận báo chí của Vektor nói với hãng thông tấn Interfax: “Hai giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn của vắc xin EpiVacCorona".

Trung tâm nghiên cứu virus Vektor ở Siberia cho biết sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về tính hiệu quả của EpiVacCorona sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tin tưởng rằng loại vắcxin này có thể được phê chuẩn trong 3 tuần tới.

Vắc xin EpiVacCorona được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo Trung tâm nghiên cứu virus Vektor, các thử nghiệm lâm sàng lần sau sẽ có một thử nghiệm lâm sàng riêng biệt với 150 tình nguyện viên trên 60 tuổi. Sau đó là thử nghiệm đối chứng với giả dược trên 5.000 tình nguyện viên Nga trong độ tuổi từ 18 đến 60.

Vắc xin EpiVacCorona là vắc xin hai thành phần và khoảng cách giữa việc tiêm thành phần thứ nhất và thứ hai là 21 ngày.

Theo Vektor, Nga có kế hoạch sản xuất 10.000 liều ban đầu với dự kiến bắt đầu sản xuất vào tháng 11.

Trước đó, tháng 82020, Nga thông báo rằng họ đã phát triển loại vắc xin được đăng ký đầu tiên trên thế giới - được đặt tên là "Sputnik V" theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới.

Điều này làm dấy lên mối quan tâm của các nhà khoa học phương Tây khi thông báo rằng vắc xin được phát triển bởi trung tâm nghiên cứu Gamaleya của Moscow đã nhận được sự chấp thuận trước khi các thử nghiệm lâm sàng đầy đủ hoàn tất.