Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, sáng nay (26/1).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư cho biết, nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra yêu cầu và có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII rất sớm.

Theo đó, ngay từ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (tháng 10/2018) đã quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự.

Trong đó có 3 Tiểu ban liên quan đến việc chuẩn bị các văn kiện: Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.

Và, để giúp việc cho các Tiểu ban, Ban Bí thư đã quyết định thành lập các Tổ Biên tập và Bộ phận giúp việc. Sau khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban đã tích cực, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc; tiến hành tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và khảo sát thực tế.

Thông tin thêm đến các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong hơn 2 năm qua, các Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, toạ đàm và thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, làm việc, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tham vấn ý kiến các chuyên gia. Cùng với đó, các tiểu ban đã tổ chức một số cuộc toạ đàm với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế; đã tổ chức 2 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.

Đoàn Thư ký Đại hội làm việc tại phiên khai mạc.

Đoàn Thư ký Đại hội làm việc tại phiên khai mạc.

Văn kiện được thể hiện công phu, bài bản

Cũng trong hơn 2 năm qua, các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi khoảng 80 báo cáo tư vấn, báo cáo kiến nghị cho các Tiểu ban. Nhiều đồng chí cán bộ lão thành, các nhà khoa học có tâm huyết cũng đã gửi thư, bài góp ý. Các báo cáo đã được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để đưa vào các dự thảo văn kiện.

Các Tiểu ban cũng đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo văn kiện, đồng thời thường xuyên có sự phối hợp giữa các Tiểu ban, Tổ Biên tập để bảo đảm sự thống nhất về nội dung giữa các văn kiện, trong đó Báo cáo chính trị là trung tâm. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10, 11, 14 và 15.

Các dự thảo Báo cáo đã được chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần (Báo cáo chính trị khoảng 30 lần) và được gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể...

Bộ Chính trị đã quyết định cho công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương.

Trong quá trình soạn thảo các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch COVID-19; vừa phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm tính khoa học, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

"Có thể khẳng định, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp". - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng Dân", hoà quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã được nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn tiếp thu.

Lấy nhân dân làm điểm nhấn để vươn lên

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long 

Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi quan tâm đến công tác cán bộ, đánh giá cao việc Văn kiện đã đề xác định cán bộ là công tác then chốt trong sự phát triển, việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra.

Theo Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, cán bộ phải chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Công việc muốn tốt hơn, thông suốt hơn thì từng cán bộ phải tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ.

“Các đơn vị, tổ chức phải rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ kế cận thường xuyên để có hướng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ cán bộ, không để xảy ra vi phạm. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc quy trình giới thiệu cán bộ từng cấp, đảm bảo đúng quy trình, quy định, trình độ, năng lực chuyên môn công tác”. – Vị đại biểu này nói.

Đồng quan điểm, Đại biểu Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, về văn kiện Đại hội, đoàn Hà Tĩnh quan tâm nhất và đánh giá cao khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, lấy dân tộc, nhân dân làm điểm nhấn để thể hiện khát vọng vươn lên, thể hiện tinh thần, lòng tự tôn dân tộc, phát huy tiềm năng xây dựng đất nước. Đặc biệt, Đại hội quan tâm đến công tác xây dựng nông thôn, coi trọng nông dân, nông nghiệp. Đây cũng là điểm mà Hà Tĩnh quan tâm trong xây dựng, phát triển địa phương giàu mạnh.

“Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cũng đã thể hiện tinh thần khát vọng xây dựng kinh tế - xã hội ở 3 điểm lớn, trong đó coi trọng phát triển nông nghiệp phục vụ công nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân...” – Đại biểu Đặng Ngọc Sơn nói thêm.