Những chiến dịch PR phản cảm xuất hiện dày đặc, từ khiêng quan tài diễu phố đến dùng xe cứu thương quảng bá phim. Ngành PR có đang đánh đổi giá trị cốt lõi để thu hút sự chú ý?
Những năm gần đây, không ít cá nhân, tổ chức sẵn sàng sử dụng những chiêu trò gây sốc để thu hút sự chú ý. Từ việc khiêng quan tài diễu phố đến việc sử dụng xe cứu thương làm đạo cụ quảng bá, những chiến dịch này không chỉ gây phản cảm mà còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm đạo đức trong ngành PR (quan hệ công chúng). Khi sự sáng tạo bị đẩy đến cực đoan, hậu quả để lại không chỉ là cơn giận dữ của dư luận mà còn là nguy cơ đối diện với chế tài pháp luật.
Thẳng thắn để nói, PR vốn là một ngành nghề mang tính sáng tạo cao, nhưng sáng tạo không đồng nghĩa với bất chấp. Truyền thông hiệu quả phải tạo dựng giá trị tích cực, chứ không thể chỉ đơn thuần thu hút sự chú ý bằng mọi giá. Việc lợi dụng yếu tố gây sốc, phản cảm hay vi phạm đạo đức để quảng bá thương hiệu không chỉ làm tổn hại hình ảnh doanh nghiệp mà còn phá vỡ những quy chuẩn xã hội.
Sự kiện khiêng quan tài ở trung tâm TPHCM hay việc sử dụng xe cứu thương để quảng bá phim kinh dị vừa qua là minh chứng rõ nét cho xu hướng truyền thông biến tướng này. Những hành động đó không chỉ gây bức xúc trong cộng đồng mà còn vi phạm các quy định pháp luật. Nhưng điều đáng nói là, dù dư luận lên án, vẫn có những cá nhân, tổ chức tiếp tục lặp lại sai lầm.
Theo các chuyên gia trong ngành, một chiến dịch PR thành công không thể chỉ dựa trên mức độ viral hay số lượt xem, mà phải cân nhắc đến tác động lâu dài đối với thương hiệu. PR không phải là chiêu trò gây chú ý ngắn hạn, mà là sự kết hợp giữa chiến lược thông minh và đạo đức nghề nghiệp.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn thương hiệu của mình nổi bật, nhưng nếu sự nổi bật đó đi kèm với những phản ứng tiêu cực, liệu có đáng không? Sự kiện xe cứu thương giả hay quan tài diễu phố có thể thu hút sự quan tâm nhất thời, nhưng về lâu dài, chúng chỉ làm giảm niềm tin của công chúng vào doanh nghiệp đứng sau.
Bởi, PR không chỉ là việc quảng bá thương hiệu mà còn là cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội. Và khi một chiến dịch PR gây ra làn sóng phẫn nộ thay vì sự đón nhận tích cực, đó không còn là PR mà là hành vi làm xói mòn niềm tin của khách hàng. Những doanh nghiệp lạm dụng chiêu trò gây sốc để đạt được sự chú ý ngắn hạn không chỉ đối mặt với phản ứng tiêu cực từ dư luận mà còn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thực tế, thế giới đã có nhiều bộ quy tắc đạo đức dành cho ngành PR. Hội Quan hệ công chúng Hoa Kỳ (PRSA) nhấn mạnh ba nguyên tắc cốt lõi: trung thực, trách nhiệm và tôn trọng lợi ích công chúng. Một chiến dịch PR đúng nghĩa phải đảm bảo các yếu tố này.
Tại Việt Nam, ngành PR vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là người làm nghề có quyền "vượt rào". Việc cố tình tạo ra các nội dung phản cảm không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu mà còn gây hại đến hình ảnh của cả ngành PR. Thực tế đã chứng minh, những chiến dịch PR vi phạm đạo đức thường không mang lại giá trị bền vững. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, họ không dễ bị cuốn theo những chiêu trò rẻ tiền.
Do vậy, thay vì chạy theo trào lưu gây sốc, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng hình ảnh bền vững, lấy giá trị thực sự làm nền tảng. Để tránh vết xe đổ của những chiến dịch PR phản cảm, các doanh nghiệp cũng cần đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng trong hoạt động truyền thông. Tôn trọng giá trị cộng đồng, tuân thủ pháp luật và đề cao tính bền vững là những nguyên tắc không thể bỏ qua.
Suy cho cùng, khi PR được thực hiện đúng cách, nó không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội. Có lẽ, đã đến lúc ngành PR cần có những giới hạn rõ ràng để không biến sáng tạo thành phản cảm, không biến chiến lược thành chiêu trò. Và khi mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân làm truyền thông đều ý thức được trách nhiệm đạo đức, ngành PR sẽ phát triển theo hướng bền vững và tích cực hơn.