Bất động sản

Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Tuấn Vỹ 14/10/2024 13:21

Theo các doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến vốn tín dụng, giải phóng mặt bằng, giao đất,... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao các Sở, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Cục Thuế tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị, đề xuất của Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn về phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản.

qnam.jpg
Tỉnh Quảng Nam đang có nhiều động thái quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Tại đây, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị chủ động nghiên cứu, xem xét các nội dung có liên quan đến lĩnh vực của ngành, địa phương, đơn vị theo dõi, phụ trách để triển khai thực hiện, giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì có trách nhiệm đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết cụ thể, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình phát triển chung của tỉnh; gửi nội dung xử lý về Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước ngày 17/10/2024) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Theo báo cáo do ông Lê Tự Tâm – Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn ký thông tin, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam, các Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được sớm tiếp cận nguồn vốn này đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại có đầy đủ thủ tục pháp lý, có tính khả thi cao. Nhất là các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đối với vấn đề áp dụng Luật Đất đai mới, các nhà đầu tư cho hay từ khi Luật Đất đai mới được ban hành đến nay, rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai bị tạm dừng do chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên có thẩm quyền, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất UBND thị xã Điện Bàn báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để cơ quan chuyên môn tiếp tục xử lý hồ sơ cho người dân cũng như doanh nghiệp.

dauthau (2)
Hầu hết các nhà đầu tư đều gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), doanh nghiệp cũng cho rằng có nhiều dự án phức tạp, cơ chế chính sách về bồi thường, GPMB thay đổi qua các thời kỳ làm khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB. Nhà đầu tư cũng đề cập đến việc các cơ quan chức năng liên quan đến công tác GPMB chưa quyết liệt trong công tác này.

“Điển hình như trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất từ năm 2022, tuy nhiên hồ sơ thủ tục kéo dài, vẫn chưa thực hiện được phương án cưỡng chế thu hồi đất”, báo cáo do ông Lê Tự Tâm ký thể hiện.

Một vấn đề nữa liên quan đến GPMB là có trường hợp hộ dân bị giải tỏa tại dự án, được chủ đầu tư bố trí đất khai thác tại dự án đề các hộ dân xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy trình thủ tục nên lô đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Trong khi đó, hộ dân cần xây dựng nhà để sinh sống ổn định tại vị trí đất khai thác do chủ đầu tư bố trí thì bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư với số tiền phạt cả trăm triệu đồng.

“Nếu không có cơ chế mở cho trường hợp này mà cứ cứng nhắc áp dụng theo các quy định thì công tác GPMB sẽ ngày càng khó khăn, đi vào bế tắc và không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân”, các doanh nghiệp kiến nghị.

Nhiều vướng mắc khác, nhà đầu tư đề xuất UBND thị xã Điện Bàn quyết liệt hơn trong công tác GPMB, cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân không đồng thuận. Đồng thời có những cơ chế mở để hỗ trợ các hộ dân bị đền bù giải tỏa có nhà ở để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Vướng mắc lớn khác với doanh nghiệp là thủ tục giao đất, trước đây, các dự án được giao đất nhiều đợt theo tình hình GPMB. Tuy nhiên, hiện nay chỉ đạo căn cứ theo từng giai đoạn của dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đề giao đất là chưa phù hợp đối với các dự án thuộc diện chuyển tiếp. Theo các doanh nghiệp, trước đây, tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư. Do đó, hiện nay các dự án phải chờ hoàn thành GPMB 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất.

Nhà đầu tư cho hay thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý bàn giao đất. Đồng thời, công tác GPMB luôn là công tác nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy, việc thực hiện GPMB 100% trong một khoảng thời gian là bất khả thi và không thể thực hiện được.

Cùng với đó, việc cho chủ trương giao đất “da beo” nhưng lại không được cấp GCN QSDĐ và không được tách thửa chuyển nhượng cũng không đem lại ý nghĩa tháo gỡ cho các chủ đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tỉnh Quảng Nam cho phép giao đất theo từng lần phát sinh như trước đây, đặc biệt là đối với các dự án dở dang, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục xây dựng hoàn thiện dự án, bàn giao đưa vào sử dụng.

Về việc cấp GCN QSDĐ, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang dừng thực hiện việc chuyển nhượng và cấp GCN QSDĐ cho khách hàng nhận chuyển nhượng các nền đất đã được cấp GCN QSDĐ tại một số dự án chưa hoàn thành 100% hạ tầng, bàn giao đưa vào sử dụng. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, gây ra rất nhiều khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp của khách hàng.

Thông tin từ phía doanh nghiệp: “Trong cùng một dự án, thậm chí trong cùng một block, hai lô đất liền kề nhau nhưng một lô đã sang tên khách hàng thì được tự do mua bán chuyển nhượng, thửa còn lại khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ thuế, đã ký hợp đồng chuyển nhượng với chủ đầu tư thì lại bị ngăn cản việc thực hiện sang tên GCN QSDĐ, điều này là vi hiến, bất bình đẳng, không phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Do đó, đề xuất UBND thị xã báo cáo UBND tỉnh cho phép tiếp tục được tách thửa chuyển nhượng đối với các block đã được cấp GCN QSDĐ”.

Các nhà đầu tư cũng đề cập đến chính sách tháo gỡ của tỉnh là cho cấp GCN QSDĐ block đối với các dự án thi công cơ bản hạ tầng, tuy nhiên lại không cho phép tách thửa chuyển nhượng, phải khi nào hoàn thành 100% hạ tầng theo quy hoạch được duyệt thì mới được tách thửa chuyển nhượng. Doanh nghiệp cho rằng chính sách này đang đi ngược với tinh thần tháo gỡ của địa phương, cấp số nhưng không cho chuyển nhượng thì chủ đầu tư sẽ không thể làm gì được. Vì vậy, nhà đầu tư đề nghị được cấp sổ đỏ và tách thửa chuyển nhượng đối với các dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề cập đến nhiều vướng mắc trong việc xác định giá đất cần được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt giá đất để đầu tư có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, với vướng mắc trong công tác tài chính tại các dự án đã được nhà đầu tư thi công hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng và được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành từ các năm trước thì đề nghị UBND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư.

Vừa qua, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành công văn về việc giải quyết một số vướng mắc đối với doanh nghiệp nhóm bất động sản. Trong đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương phải tích cực, chủ động vào cuộc, tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không để kéo dài, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, ổn định đời sống người dân trong vùng dự án.

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất chủ trương xem xét điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với từng dự án cụ thể, theo hướng phân kỳ tiến độ thực hiện dự án theo Điều 116 Luật Đất đai năm 2024. Cùng với đó, đối với chủ đầu tư đã ứng tiền bồi thường thì UBND cấp huyện nơi có dự án xác nhận số tiền bồi thường mà chủ đầu tư dự án đã tạm ứng cho đơn vị thực hiện công tác bồi thường, GPMB để xem xét yêu cầu số tiền ký quỹ phù hợp, từ đó xem xét gia hạn tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị nhiều vấn đề cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO