Những tín hiệu tích cực từ ngành du lịch quý I/2022 của tỉnh Quảng Ninh đang tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
>>>Cần “bệ phóng” cho bất động sản Quảng Ninh
>>>Nhiễu loạn thông tin bất động sản Quảng Ninh
Xung lực mới
Thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều năm ngành du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Năm 2019 theo ghi nhận con số 14 triệu lượt khách tới địa phương. Trong 2 năm đại dịch đi qua, du lịch Quảng Ninh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Cụ thế, trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách đến với Quảng Ninh ước đạt 250.000 lượt, gấp 2,6 lần so với 3 ngày nghỉ dịp Giỗ tổ Hùng Vương.
Đặc biệt, tỷ lệ đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang đạt 90 -100%. Hơn 400 tàu đưa khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long luôn trong tình trạng kín khách.
Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu thu hút khách du lịch đến với địa phương đạt trên 10 triệu lượt khách trong đó đạt 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt khoảng 21.000 tỉ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, bà Nguyễn Thùy Yên - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh sẽ nối lại đường bay Vân Đồn với Đà Nẵng để du khách có nhiều lựa chọn khi đến Quảng Ninh. Các doanh nghiệp sẽ khai thác tuyến bay này với các tỉnh miền Trung để đưa khách tới Quảng Ninh.
Tháng 4 vừa rồi, Quảng Ninh cũng đã có ký kết với các tỉnh miền Trung, công bố combo du lịch giữa các địa phương. Các địa phương cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch qua đường hàng không sau ảnh hưởng của dịch bệnh. "Chúng tôi sẽ kết hợp với các tập đoàn để mở lại các đường bay trong nước và quốc tế để đón du khách tới Quảng Ninh trong thời gian tới" - bà Yên cho biết.
>>>Bất động sản Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng nhờ nhiều lợi thế
Mặt khác, từ đầu năm 2022, những chính sách vĩ mô hướng đến mục tiêu phục hồi du lịch cũng là lực đẩy đúng lúc tạo nên hệ quả tích cực tại các điểm đến nổi bật như Hạ Long.
Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng ngân sách 350 nghìn tỷ đồng, trong đó du lịch được coi là một trong những lĩnh vực trọng tâm được hỗ trợ. Bên cạnh đó là việc mở lại các đường bay, cảng hành khách hay đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy du lịch… cộng hưởng tạo nên động lực hồi phục của ngành công nghiệp không khói.
Nguồn năng lượng để đột phá
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, 5 tháng đầu năm 2022 lĩnh vực dịch vụ du lịch tiếp tục phục hồi ấn tượng, tổng khách du lịch đạt 4,2 triệu lượt, tăng 79% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.800 tỷ đồng, vượt 8% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh đề ra.
Ông Phạm Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Hoa Phượng cho biết: Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, nhu cầu nghỉ dưỡng của khách trong và ngoài nước cũng theo đó mà tăng cao. Để theo kịp tốc độ tăng trưởng du lịch, đáp ứng nhu cầu của lượng lớn du khách thì cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú cần được quan tâm và phát triển tương đồng.
Theo ông Toàn, xu thế thông thường của thị trường là khi ngành du lịch “ấm lại” sẽ tạo nguồn năng lượng thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng trở lại “đường đua”. Bằng chứng là nhu cầu sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là bất động sản cao cấp ven biển tiếp tục đạt được những bước tăng trưởng đột phá.
Minh chứng bất động sản Quảng Ninh trong quý 1/2022 có tốc độ tăng từ 20 - 30%. Đặc biệt các bất động sản ven biển còn đạt ngưỡng tăng từ 30 - 50%.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định bất động sản Quảng Ninh vẫn là một thị trường tiềm năng với nhu cầu luôn cao hơn nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm bất động sản cao cấp. Đó cũng là lý do khiến các dự án này mang lại khả năng thanh khoản và sinh lời cao.
Theo ông Lê Minh Dũng – Phó Tổng Giám đốc BIM Group: Cú hích mở cửa du lịch đang tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản tại nhiều địa phương sau đại dịch.
Theo ông Dũng, GDP quý I/2022 tăng 5,03% và đặc biệt là gần 114.000 tỷ đồng đang dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản. Vốn FDI tại Việt Nam trong quý vừa qua cũng đạt 4,42 tỷ USD và bất động sản đang đứng ở top đầu về thu hút FDI, chiếm 30% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, diễn biến của dịch bệnh đã bớt phức tạp là nguyên nhân trực tiếp cho sự sôi động của thị trường bất động sản. Khi các địa phương đã kết nối lại với nhau, các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã trở lại với nhịp độ bình thường thì đó là điều kiện để nhà đầu tư quay lại với nhu cầu về bất động sản.
"Trong quý I/2022, những quy định về luật kinh doanh bất động sản bắt đầu có hiệu lực. Theo tôi đây cũng là lực đẩy quan trọng để lành mạnh hóa thị trường cũng như tạo điều kiện hành lang pháp lý thông thoáng hơn, giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiệu quả hơn" - ông Dũng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm