Một số công trình vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương đã được UBND quận Cầu Giấy tiến hành tháo dỡ, nhằm khắc phục những tồn tại theo Kết luận thanh tra…
>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?
Theo đó, thực hiện Kết luận thanh tra số 39 ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính trên địa bàn, UBND quận Cầu Giấy đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại theo kết luận thanh tra.
Thông tin trả lời báo chí, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, quận đã thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại theo kết luận 39/KL-TTr của Thanh tra của Bộ Xây dựng. Cụ thể, ngày 20/6, UBND quận Cầu Giấy tổ chức buổi làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư có liên quan để thông báo và đề nghị triển khai việc tổ chức thực hiện Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng. Ngày 4/7, Văn phòng HĐND-UBND quận Cầu Giấy có Thông báo số 08 thông báo kết luận của lãnh đạo quận tại cuộc họp rà soát các nội dung liên quan đến Kết luận số 39.
Trong các ngày 6/7 và 7/7, UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư và lập biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm trên địa bàn phường.
Trên cơ sở đó, ngày 8/7, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành 5 Quyết định số 121/QĐ-KPHQ, 122/QĐ-KPHQ, 123/QĐ-KPHQ, 124/QĐ-KPHQ, 125/QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 chủ đầu tư của các dự án còn tồn tại vi phạm trật tự xây dựng theo Kết luận số 39.
UBND quận Cầu Giấy giao Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND phường Trung Hòa tuyên truyền vận động các chủ đầu tư tự thực hiện tháo dỡ các bộ phận công trình vi phạm theo thời hạn tại những quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Đồng thời vị đại diện UBND quận Cầu Giấy cũng thông tin, để nghiêm túc thực hiện theo Kết luận số 39 của Bộ Xây dựng, ngày 19/7 Lãnh đạo quận Cầu Giấy, phường Trung Hoà và các lực lượng chức năng quận đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trạng tiến độ tháo dỡ các công trình vi phạm.
Ngày 19/7, trên cơ sở tuyên truyền, vận động của lực lượng chức năng quận Cầu Giấy, nhiều chủ đầu tư đã khắc phục một số tồn tại. Đơn cử, tại ô đất CX2, nhà đầu tư đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ công trình nhà 1 tầng diện tích 160m2 (ô đất CX2A), tháo dỡ toàn bộ 2 hạng mục với tổng diện tích 126m2 và đang tiếp tục tháo dỡ các hạng mục vi phạm còn lại (ô đất CX2B).
Tại Trường mầm non Lý Thái Tổ thuộc ô đất NT2, chủ đầu tư đã tháo dỡ hạng mục khung sắt mái tôn tại tầng 2 nhà hiệu bộ với diện tích 30m2. Tiếp đó, tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, các hạng mục công trình khung thép, mái lợp tôn diện tích 170m2 (nằm giữa nhà ăn và tường rào) cũng đã bị tháo dỡ.
Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, đối với các hạng mục vi phạm chủ đầu tư chưa tự giác tháo dỡ, UBND quận đã giao các phòng, ban và UBND phường Trung Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động tháo dỡ. Trong trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành thì UBND quận sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND quận Cầu Giấy đề nghị cho giữ lại các hạng mục thang thoát hiểm, thang máy, trạm biến áp để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ và vận hành khi xảy ra sự cố.
>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra
Trước đó, liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, bên cạnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhiều người không khởi giật mình bởi con đường Lê Văn Lương đang phải oằn mình gánh chịu hậu quả của sự điều chỉnh quy hoạch liên tục, gia tăng chiều cao các tòa nhà chung cư.
Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều doanh nghiệp nâng tầng nhà chung cư. Điển hình là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (Diamond Flower Tower) điều chỉnh từ 6 lên 39 tầng.
Toà nhà có chức năng hỗn hợp Hà Nội Center Point ở ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy do Công ty CP đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư được xây dựng trên nền đất đã được điều chỉnh từ đất công cộng thành văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê. Số tầng được nâng từ 15 thành 32 tầng.
Ngoài ra, tại tuyến đường Lê Văn Lương có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai, Tổng Công ty HUD và Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam lần lượt là chủ đầu tư Sao Mai Building, HUD Tower, Golden West. Các tòa nhà này được Hà Nội cho phép điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nâng số tầng cao gấp 2-3 lần so với quy hoạch ban đầu. Các công trình nâng tầng này đã góp phần làm “phá sản” các dự án về giao thông.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?
11:00, 07/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Cần hình sự hóa để xử lý tận gốc
04:00, 03/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Cần làm rõ vai trò của ông Nguyễn Thế Thảo
08:00, 02/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra
21:00, 01/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Không thể nhân nhượng với tiêu cực
04:00, 30/06/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Trách nhiệm thuộc về ai?
03:30, 29/06/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hệ lụy từ “cánh rừng cao ốc”
03:50, 28/06/2022
Cơ quan di dời khỏi đường Lê Văn Lương, cao ốc mọc lên trái quyết định của Thủ tướng
23:44, 09/06/2022
Hà Nội: Loạt sai phạm "băm nát" quy hoạch trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
00:46, 07/06/2022