Nhờ giá vốn giảm mạnh, cùng với doanh thu tài chính tăng mạnh, BLF lãi ròng gần 13 tỷ đồng. Qua đó, doanh nghiệp đã ngắt được mạch thua lỗ của 5 quý liền trước.
>>>Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu, xuống 122,5 tỷ đồng, tương ứng với giảm 26%, nên lợi nhuận gộp trong quý II của BLF tăng 55%, lên gần 35 tỷ đồng.
Một điểm sáng nữa trong kỳ của doanh nghiệp ngành thủy sản này là doanh thu hoạt động tài chính tăng lên gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ, nhờ lãi chênh lệch tỷ giá, trong khi, chi phí tài chính chỉ tăng nhẹ lên 4%, chủ yếu là từ lãi vay.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 20% và 1% so với cùng kỳ. Kết quả, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng gần 13 tỷ đồng. Qua đó, doanh nghiệp đã ngắt được mạch thua lỗ của 5 quý lỗ liên tiếp.
Mặc dù đã ngắt được mạch thua lỗ trong quý II, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng hơn 97 triệu đồng, nhưng cũng đã cải thiện hơn rất nhiều so với con số lỗ gần 14 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của BLF đạt 520 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Lượng tiền mặt còn hơn 2 tỷ đồng, giảm 75% so với đầu năm. Hàng tồn kho ghi nhận gần 310 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với đầu năm, doanh nghiệp cũng đã trích lập gần 9 tỷ đồng dự phòng. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng, giảm 23%.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 408 tỷ đồng, giảm gần 11% so với đầu năm. Dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng là 147 tỷ đồng, giảm 15%. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn bằng VNĐ là 134 tỷ đồng, giảm 15% và dư nợ ngắn hạn bằng USD hơn 13 tỷ đồng, giảm 65%. Số dư vay dài hạn gần 26 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
>>>Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
Ở một diễn biến khác, vào đầu tháng 7 này, cổ phiếu BLF đã bị HNX duy trì diện cảnh báo do tổ chức niêm yết chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023; Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là số âm.
Ngoài ra, cổ phiếu BLF cũng đang trong các diện đình chỉ giao dịch, do doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Bên cạnh đó, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét và diện bị kiểm soát từ ngày 3/4/2023 do lợi nhuận sau thuế năm 2021 và 2022 là số âm.
Giải trình việc cổ phiếu bị duy trì diện cảnh báo, lãnh đạo BLF cho biết, doanh nghiệp đang dần phục hồi việc sản xuất kinh doanh, biểu hiện rõ nhất là lợi nhuận sau thuế quý II/2023 đạt gần 13 tỷ đồng so với con số lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý đầu năm. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, khi tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đi vào ổn định, việc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp.
Theo Chứng khoán SSI, trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ và 156 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023 lần lượt đạt 1,6 tỷ USD, giảm 31% và 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, SSI ước tính giá bán trung bình của tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt đạt 10,6 USD/kg, giảm 12% và 3,5 USD/kg, giảm 26% so với cùng kỳ. Theo Agromonitor, sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm 50% và 31% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.
Về nguyên liệu đầu vào, SSI cho biết, giá thức ăn thủy sản vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023. Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 60% giá vốn hàng bán, cùng với giá bán bình quân của ngành giảm trong nửa đầu năm 2023, nên hầu hết các công ty sản xuất trong ngành đều có tỷ suất lợi nhuận thu hẹp, nhưng lợi nhuận vẫn có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023.
SSI cho rằng, mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao; Tuy nhiên, các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm: giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); Và chi phí vận chuyển giảm.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
13:30, 08/06/2023
Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
04:45, 12/01/2023
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022
Hải Phòng: Đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá để ngành thủy sản phát triển bền vững
01:12, 21/07/2022
Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?
16:00, 07/06/2022