Rắc rối, tiêu cực khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô?

Minh Phượng 04/06/2019 10:32

Chi 17.000 tỷ cho việc di dời 13 trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô, ngoài bài toán về cân đối tài chính, nguồn bổ sung từ ngân sách, thì còn nhiều vấn đề cần phải xử lý.

Tư lệnh ngành xây dựng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề

Chiều 4/6, "Tư lệnh" ngành xây dựng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến ngành được cử tri quan tâm.

Dễ rắc rối, tiêu cực

Theo lịch trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn Quốc hội vào chiều nay (4/6), một trong các nội dung quan trọng Bộ trưởng phải trả lời là vấn đề di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội.

Bộ xây dựng đang bàn cách di dời 13 trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 13 trụ sở này bao gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm

    09:02, 04/06/2019

  • Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn

    13:30, 31/05/2019

  • Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi quy chế quản lý nhà chung cư

    22:42, 16/01/2019

  • Doanh nhân Tạ Quyết Thắng đối thoại với Bộ trưởng Bộ Xây dựng

    13:30, 16/01/2019

  • Bộ Xây dựng chốt kế hoạch thanh tra hàng loạt “ông lớn” bất động sản

    21:01, 02/01/2019

Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) thuộc Bộ xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án di dời. Theo đề xuất của VIUP, có 3 phương án di dời: Thứ nhất, sẽ xây mới tất cả trụ sở 12 bộ, ngành tại khu vực Tây Hồ Tây, riêng trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng tại Mễ Trì. Thứ hai, trụ sở 13 bộ, ngành được xây mới tại khu vực Mễ Trì. Phương án ba là 6 trụ sở bộ, ngành được xây mới tại Tây Hồ Tây, 7 trụ sở còn lại được xây dựng ở Mễ Trì.

Cũng theo VIUP, nếu đặt hết trụ sở các đơn vị trên về khu vực Tây Hồ Tây thì cần ít nhất 12.000 tỷ đồng; nếu đưa hết về Mễ Trì thì cần 14.000 tỷ đồng; nếu theo phương án chia đôi số trụ sở theo phương án ba thì hết khoảng 17.000 tỷ đồng.

Ông Trần Gia Lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiến trúc - Quy hoạch Hà Nội (thuộc VIUP) cho biết, việc di dời 13 trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô là một việc lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần sự thống nhất cao giữa các bên liên quan.

“Không chỉ là vấn đề di dời từ chỗ cũ sang chỗ mới, từ nội thành ra bên ngoài mà còn liên quan đến quy hoạch, đến lợi ích kinh tế giữa các bên, sự thuận tiện cho người dân, nếu không bàn bạc, thống nhất cẩn thận, tiến độ sẽ rất chậm, đi liền với đó là những rắc rối, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xây dựng trụ sở mới, đấu giá tài sản trụ sở cũ, ông Lượng cho hay.

Lo “đất vàng” bị đầu cơ

Với 3 phương án di dời chi phí khoảng 17.000 tỷ đồng, sau đó các trụ sở chủ yếu là trụ sở tọa lạc trên địa thế “đất vàng” sẽ được đưa ra đấu giá để đổi lấy tiền xây trụ sở mới làm dư luận băn khoăn.

Trên thực tế, Hà Nội đã có những tiền lệ liên quan đến việc các trụ sở di dời được đấu giá, sau đó lại trở thành các dự án bất động sản cao tầng gây áp lực về mật độ dân số và áp lực giao thông cho nội đô.

TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khẳng đinh: Phải nhận diện di sản của khu vực sẽ phải giải phóng mặt bằng. TP. Hà Nội cũng như Trung ương cần thống nhất chức năng của đơn vị mới tiếp quản làm gì.

Cũng theo TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, di dời trụ sở bộ, ngành là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và phải nhìn nhận được những “điểm nóng” để giải quyết, như nguồn lực, xác định mục tiêu trước khi đấu giá trụ sở cũ…

Ngoài ra, tư lệnh ngành trả lời chất vấn thuộc nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng tập trung vào: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Tại kỳ họp lần trước, liên quan đến giải pháp nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở đô thị luôn được quan tâm, coi đây là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cố gắng và thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo đô thị, khoảng 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân. Tuy đã có cố gắng, nhưng so với yêu cầu còn rất thấp. "Hiện nay, cung - cầu cho nhà ở này chúng ta đang mất cân đối gay gắt”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. 

Có một giải pháp đột phá là bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ những người mua nhà vay để thuê mua nhà ở, trong đó có công nhân của các khu công nghiệp. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, mặc dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhưng mới bố trí được chưa đầy 1,2 nghìn tỷ đồng cho nhu cầu này, trong khi đó nhu cầu thực tế khoảng 9 nghìn tỷ đồng. 

“Hiện nay, các đối tượng mua nhà xã hội, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp cũng rất mong muốn có khoản này để hỗ trợ nâng cao khả năng thanh toán cho việc mua và thuê mua nhà ở của họ. Mong rằng Quốc hội quan tâm vấn đề này, Chính phủ đã dự kiến bố trí khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng, xử lý vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn 5 năm”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói. 

Theo đó cũng tại lần họp này, đối với xử lý các công trình xây dựng không phép, Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, định mức xây dựng và các quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng nói chung, cũng như công tác xử lý vi phạm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể tham gia, người dân am hiểu các quy định về hoạt động xây dựng, tránh vi phạm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rắc rối, tiêu cực khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO