Yêu cầu các đơn vị tận dụng thời tiết, cố gắng thi công nhanh, đáp ứng và sớm cấp phối đá nhiều vị trí. Và nếu nhà thầu nào chậm, không đạt yêu cầu phải thay thế để đáp ứng tiến độ dự án.
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, tại buổi kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trảm nhà thầu yếu kém
Theo đó, ngày 21/5/2025, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trần Hồng Minh dẫn đầu đã đến kiểm tra tiến độ thi công các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua Đồng Nai) và sân bay Long Thành
Đáng chú ý, báo về tiến độ dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng), cho biết Đến nay sản lượng dự án đạt khoảng 51%, với nhiều hạng mục thi công chính đang bám sát tiến độ. Toàn bộ 8 hầm chui dân sinh và 23 cầu trên tuyến đều đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
"Hiện còn 14 vị trí đường điện cao thế, trung và hạ thế phải di dời, hạ ngầm. Do đó, ông Minh mong địa phương sớm di dời để có mặt bằng thi công đúng tiến độ", ông Minh kiến nghị.
Cũng theo ông Minh, đối với dự án thành phần 1, hiện các nhà thầu cũng đang tăng tốc với việc duy trì 34 mũi thi công. Hai gói thầu xây lắp của dự án gồm gói thầu số 18 đạt hơn 14% tổng sản lượng và gói thầu số 21 đạt hơn 48%.
Liên quan công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, ông Hồ Văn Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện địa phương đang thúc các đơn vị tăng tốc di dời hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thực tế tại hiện trường cả ngày lẫn đêm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tại dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư chỉ có 2 đơn vị đáp ứng yêu cầu thi công, các đơn vị còn lại thi công còn chậm so với tiến độ.
Đánh giá và nhấn mạnh về tiến độ thi công tác thi công tại các ghói thầu, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị tranh thủ tận dụng thời tiết cố gắng thi công nhanh, đáp ứng sớm cấp phối đá càng nhiều vị trí càng tốt.
“Đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao cho nhà thầu triển khai dự án. Nếu nhà thầu nào chậm, không đạt yêu cầu phải thay thế để đáp ứng tiến độ dự án”, ông Minh nhấn mạnh.
Chậm do vướng hạ tầng lưới điện?
Nêu những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ, trước đó, ông Nguyễn Đình Ánh - Chỉ huy trưởng gói thầu số 18 (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO) cho biết: Các mũi thi công đang tập trung xử lý phần nền của dự án khoảng 1km tại đường Võ Nguyên Giáp. Bởi, đây là nút giao lên xuống của đầu tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải ưu tiên xử lý trước. Tuy nhiên dọc theo đoạn này là đường cấp nước gang 250mm, 90mm, 60mm chưa di dời được gì. Bên cạnh đó, hệ thống điện trung thế, hạ thế, toàn bộ đều chưa di dời nên nhà thầu thể không làm gì được ở đây.
Cũng theo ông Ánh, toàn bộ nút giao ở đầu dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có khoảng 3,2km phải gia cố, xử lý nền đường nhưng đến nay công trình hạ tầng điện, nước nằm ở khu vực này chưa di dời được gì.
"Vừa qua đơn vị thi công đào trúng đường nước, bị bể và phải dừng thi công để khắc phục. Những sự cố như thế này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung các gói thầu trong khi áp lực thời gian thi công rất lớn", ông Ánh nói.
Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh này cơ bản đã bàn giao xong cho các nhà thầu. Tỉnh đang đôn đốc đơn vị quản lý các công trình hạ tầng tổ chức di dời cho nhà thầu thi công.
Tuy vậy, tại một số vị trí khác ở dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (địa bàn tỉnh Đồng Nai), việc thi công các hạng mục trụ điện, đường dây… để di dời hệ thống điện ngang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng còn ngổn ngang...
Nêu nguyên nhân chậm di dời các đường điện nằm trên dự án cao tốc, đại diện Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết hiện có 51 hạng mục đường dây trung, hạ thế cần di dời ở dự án trên. Các hạng mục ở dự án thành phần 1, thành phần 2 do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý dự án huyện Long Thành làm chủ đầu tư.
"Công ty không di dời hạ tầng lưới điện mà chỉ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu để thống nhất phương án về thời gian cắt điện, để thực hiện di dời", đại diện Công ty Điện lực Đồng Nai thông tin
Còn giải thích về một số hạng mục điện chậm di dời, ông Trần Ngọc Thái - Giám đốc Điện lực Long Thành - cho biết: Tính đến cuối tháng 4, các bên liên quan mới thực hiện cắt điện và xử lý xong 12 vị trí đường dây trung hạ thế. Còn lại 39 vị trí hoặc đang phải chờ vật tư, hoặc chờ chủ đầu tư lập phương án thi công, chờ đăng ký kế hoạch cắt điện.
“Để tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, chúng tôi đã tiếp tục thông báo cho chủ đầu tư, đơn vị thi công giải thích và thông báo về việc đăng ký cắt điện phải có phương án thi công đúng thời hạn. Khi có kế hoạch thi công, ngành điện thông báo cắt điện, trả điện đúng giờ cho khách hàng để tránh xảy ra khiếu nại. Chưa kể, ngành điện có quy định muốn cắt điện phải thông báo trước 5 ngày để khách hàng, doanh nghiệp chuẩn bị phương án sản xuất nên không phải muốn cắt điện là cắt ngay được", ông Thái nêu.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đi qua hai TP Biên Hòa và huyện Long Thành (dự án thành phần 1, thành phần 2) dài hơn 34km. Đến nay việc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Tuy nhiên, đến nay, phần việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chậm. Vì vậy UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu trong tháng 5 phải hoàn thành việc di dời các hạ tầng điện, nước… |