Cần phải mạnh tay hơn, thậm chí phải “trảm” nhà thầu thay vì chỉ dừng lại ở mức phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ tại các dự án.
Chậm tiến độ… căn bệnh “mãn tính”?
Theo các chuyên gia, đầu tư công có vai trò to lớn cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp đang là chủ trương đúng đắn được mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công còn chú trọng vào việc nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan nhà nước, cải thiện quản trị quốc gia, tạo nên môi trường hành chính thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Song, trên thực tế, dường như các dự án nào khi triển khai cũng đều mắc phải căn bệnh “mãn tính” đó là chậm tiến độ. Tất nhiên những lỗi này có cả những nguyên nhân khách quan, song, đa phần đều xuất phát từ yếu tố chủ quan, đang là vấn đề đáng chú ý.
Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp tại 2 dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Nai, gồm: Dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai và dự án DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cả 2 dự án đều đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, và đều mang ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đồng hạ tầng giao thông kết nối nhằm phát triển kinh tế liên tỉnh, liên vùng. Thế nhưng, kết quả triển khai dự án lại không mấy lạc quan vì cả 2 dự án này đều nằm trong tình trạng chậm tiến độ. Và mặc dù nhiều nhà thầu đảm nhiệm thi công 2 dự án trọng điểm quốc gia tại Đồng Nai bị kiểm điểm, phê bình vì vi phạm tiến độ hợp đồng xây lắp do chậm trễ trong việc huy động nhân sự, xe máy, thiết bị, vật tư.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư) vào thời điểm cuối tháng 2/2025, tiến độ thi công 2 dự án giao thông trọng điểm là Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và DATP 3 Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai đều bị chậm so với kế hoạch.
Cụ thể, DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 18 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty CP 479 Hòa Bình đảm nhiệm thi công (giá trị 1.261,626 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 30/11/2023, thời gian thực hiện 913 ngày). Gói thầu số 21 do Liên danh Công ty CP Lizen - Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Xây lắp 368 - Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đảm nhiệm (giá trị 1.236,593 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 15/8/2023, thời gian thực hiện 915 ngày). Tính đến ngày 25/2/2025, lũy kế khối lượng hoàn thành Gói thầu số 18 là 110 tỷ đồng, đạt 9% giá trị hợp đồng; lũy kế khối lượng hoàn thành Gói thầu số 21 là 440 tỷ đồng, đạt 36% giá trị hợp đồng.
Theo Chủ đầu tư, tiến độ thi công các gói thầu trên đều chậm so với bảng tiến độ được lập. Trong đó, Gói thầu số 18 chậm khoảng 8 tháng, Gói thầu số 21 chậm khoảng 4 tháng. Năm 2025, kế hoạch vốn bố trí cho Dự án là 864,753 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 25/2, giá trị giải ngân vỏn vẹn 5,5 tỷ đồng, đạt 0,63% kế hoạch.
Tương tự, DATP 3 Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai cũng đang chậm tiến độ. Dự án có 3 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu số 26 do Công ty CP Xây dựng Tân Nam thi công (529,779 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 19/12/2023, thời gian thực hiện 990 ngày); Gói thầu số 29 do Liên danh Công ty CP 471 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công (777 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 15/12/2023, thời gian thực hiện 990 ngày); Gói thầu số 32 do Liên danh Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát thực hiện (889,698 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 5/9/2024, thời gian thực hiện 835 ngày). Tính đến ngày 25/2/2025, lũy kế giá trị thi công hoàn thành của Gói thầu số 26 là 90 tỷ đồng, đạt 19,2% giá trị hợp đồng; Gói thầu số 29 là 200 tỷ đồng, đạt 29,3% giá trị hợp đồng; Gói thầu số 32 là 150 tỷ đồng, đạt 21,3% giá trị hợp đồng.
Từ những kết quả trên, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Nai đánh giá, 2 trong 3 gói thầu xây lắp của DATP 3 Vành đai 3 TP HCM có tiến độ chậm so với bảng tiến độ được lập là Gói thầu số 26 và Gói thầu số 29. Tính đến ngày 25/2, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 của DATP 3 Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt 1,1% kế hoạch.
Căn cứ từ những số liệu trên, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Nai đã phát đi loạt thông báo (lần 1) vi phạm tiến độ hợp đồng thi công xây dựng tới các nhà thầu thi công 2 dự án trên và yêu cầu các nhà thầu có cam kết, khắc phục bù đắp tiến độ chậm, huy động đầy đủ nhân sự theo hồ sơ dự thầu, bổ sung thiết bị, chủ động vật tư để đẩy nhanh thi công. Trong các thông báo. Đồng thời, chủ đầu tư cũng chỉ ra những nội dung công việc cụ thể tại hiện trường mà các nhà thầu phải khẩn trương thực hiện.
Cần mạnh tay, “trảm” nhà thầu
Liên quan tới nguyên nhân các nhà thầu thi công chậm tiến độ, ông Ngô Thế Ân - Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, ban đầu, việc triển khai các gói thầu vướng mặt bằng do phía Đồng Nai chậm. Tuy nhiên, khi bắt đầu có mặt bằng, các nhà thầu lại chậm huy động nhân sự, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Việc chủ đầu tư nhắc nhở, cảnh báo về tiến độ hợp đồng nhằm đôn đốc nhà thầu tăng cường huy động năng lực cho các gói thầu đã có mặt bằng. Thế nhưng, mấy tháng qua, nhiều nhà thầu chưa tăng ca. Căn cứ theo hợp đồng về những tồn tại nêu trên, chủ đầu tư đã phê bình và thông báo vi phạm lần thứ nhất. Về cơ bản các nhà thầu đã có văn bản phúc đáp và cam kết khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Các nhà thầu đã hứa thì phải làm, nếu vi phạm lần 2, chủ đầu tư sẽ có quyết định xử lý”, ông Ân nói.
Đánh giá về ý nghĩa của các dự án đầu tư công và các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng đầu tư công
được xem là công cụ của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Bên cạnh đó, đầu tư công còn có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư tư nhân, góp phần khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án giao thjoogn trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực.
Cũng theo TS Thuận, trong thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đang triển khai đồng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong đó, phải kể đến dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đây là dự án mang tầm vóc quốc gia, do đó, không ai được phép đứng ngoài cuộc, đặc biệt là những địa phương có dự án đi qua. Song, trên thực tế vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc tập trung, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã một phần làm ảnh hưởng tiến độ toàn dự án. Bên cạnh đó, một số nhà thầu yếu năng lực cũng góp phần không nhỏ vào sự đình trệ này.
“Câu chuyện chậm tiến độ với đủ lý do bao gồm cả chủ quan và khách quan được ví như một căn bệnh “mãn tính”, nhưng chúng ta lại không có thuốc điều trị là hết sức bất cập. Có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước và ở đây là chủ đầu tư cần phải mạnh tay hơn trong việc xử lý nghiêm các các nhà thầu không đảm bảo tiến độ dự án. Nếu cần thiết cũng phải “trảm” nhà thầu để không ảnh hưởng đến kế hoạch và mục tiêu chung. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, để qua đó, đầu tư công góp phần tích cực vào xây dựng, chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội”, TS Thuận nhấn mạnh.