Tính đến ngày 24/12/2024, tổng số vốn giải ngân đầu tư công trên địa bàn TP HCM đạt khoảng 50.326/79.000 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 63,5%, so với kế hoạch Trung ương giao.
Đảm bảo giải ngân trên 80%?
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP HCM, trong 17 ngày, TP HCM đã giải ngân thêm hơn 30% số vốn đầu tư công. Tức là tính đến ngày 24/12/2024, TP HCM đã nâng tỉ lệ từ 33% lên tổng số vốn giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố đạt khoảng 50.326/79.000 tỉ đồng, tương đương 63,5%. Đây là sự nỗ lực của TP HCM cũng như kỳ vọng được Bí thư Thành ủy TP HCM nêu ra tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 20, vừa qua.
Đáng chú ý, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 9-12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên từng nhấn mạnh: “thời gian còn lại của năm 2024 sắp hết, toàn hệ thống chính trị tập trung làm việc với công suất tối đa, tranh thủ từng ngày từng giờ, không có ngày nghỉ”. Trong đó, ông Nên cũng ghi nhận, đánh giá cao tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.
Cụ thể, theo ông Nên, ngày 4/12/2024, báo cáo cho thấy giải ngân chỉ đạt tỉ lệ trên 24%. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2024, con số đã tăng lên tới 33%, tăng gần 10%. Đây là con số có ý nghĩa, tạo ra niềm tin cho chúng ta.
“Nếu cứ khoảng 4 ngày tăng gần 10% và 20 ngày còn lại (của năm) đạt gấp 5 lần như thế thì có thể đạt được chỉ tiêu 50% còn lại theo kế hoạch. Như thế, chỉ tiêu 80% ló dạng rất rõ và sẽ đạt được. Tuy nhiên, muốn đạt được thì phải bằng hành động, chứ không thể bằng lời nói. Do đó, đề nghị HĐND TPHCM, lãnh đạo các quận huyện, các chủ đầu tư tiếp tục quan tâm, động viên, tăng cường giám sát cũng như thúc đẩy người dân tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thực hiện các dự án đã đề ra theo kế hoạch. Trong đó, tập trung đối với 7 dự án đã lên lịch giải ngân, gồm: rạch Xuyên Tâm, đường vành đai 2, cầu Nguyễn Khoái, đường Tân Thới Hiệp, đường Lê Văn Quới, Công viên Văn hóa - Lịch sử TP.HCM, rạch Lồng Đèn”, ông Nên yêu cầu.
Liên quan tới áp lực giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn TP, đặc biệt trong bối cảnh thời gian không còn nhiều. Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, TP HCM đã đạt giải ngân đạt 50.326/79.000 tỉ đồng, tương đương 63,5% so với kế hoạch Trung ương giao. Như vậy, việc còn hơn 30% còn lại sẽ là một áp lực rất lớn đối với chủ đầu tư cũng như nàh thầu thi công vì một số dự án còn vướng một số thủ tục. Bên cạnh đó, áp lực về nguồn khan hiếm VLXD và GPMB vẫn là nguyên nhân chủ yếu.
Theo ông Phúc, trong năm 2024, TP HCM đã khởi công mới 4 dự án và khánh thành 9 dự án. Trong đó, khởi công 4 dự án gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm (Gò Vấp), mở rộng đường Chu Văn An, xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý, mở rộng đường Dương Quảng Hàm.
Đến cuối năm nay, TP đã và đang chuẩn bị khánh thành 9 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Đỉa; cầu Nam Lý; cầu Cây Khô; cầu Ông Bồn; đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (1 nhánh hầm); đường Tân Kỳ - Tân Quý; dự án nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa; dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (thông xe 2 nhánh hầm) và dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Cũng theo ông Phúc, đối với các dự án Tân Kỳ - Tân Quý và Tên Lửa, hiện nay, TCIP đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo tiến độ chung của TP. Do đó, dự kiến trong cuối năm nay, TCIP sẽ cam kết đảm bảo công tác giải ngân đạt hơn 80% đối với các dự án do TCIP làm chủ đầu tư. Trong đó, một số dự án trọng điểm cũng như dự án Vành đai 3 TP HCM sẽ được tập trung làm xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện theo đúng cam kết, mục tiêu thi đua 400 ngày đêm mà UBND TP HCM phát động.
Bám sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của TP
Liên quan tới kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP, trước đó, UBND TP HCM từng có băn bản gửi các sở ngành, quận huyện, các ban quản lý dự án đôn đốc thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị quán triệt, nghiêm túc thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền các cấp. Đồng thời kiên trì, bám sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của TP.
Đặc biệt, trong công văn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP HCM trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đến ngày 30/1/2025.
Trong đó, đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn như đường Dương Quảng Hàm, quốc lộ 50, tỉnh lộ 8, nút giao Mỹ Thủy, bến xe buýt Củ Chi, đường Hoàng Hoa Thám… các chủ đầu tư phải báo cáo chi tiết từng bước thủ tục, tiến độ mở thầu, thi công và giải ngân dự án theo các mốc thời gian cụ thể. Xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của sở ngành và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư trong từng nhiệm vụ được đề ra.
Với các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã đề ra và thấp hơn tỉ lệ giải ngân chung của TP thì thủ trưởng phải tổ chức chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, có giải pháp khắc phục.
Với các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân dưới mức giải ngân chung của TP gồm huyện Nhà Bè, quận 1, 5, 11, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao… cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân, thực hiện ngay các giải pháp để tăng giải ngân hằng tuần từ nay đến ngày 30/1/2025.
Với các đơn vị dự kiến giải ngân dưới 95% thì thủ trưởng triển khai ngay các giải pháp để đẩy nhanh thực hiện, giải ngân số vốn này trong năm 2025, và đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn trung hạn đã được giao cho dự án.