Lần đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) cho phép sử dụng tín chỉ carbon bên ngoài khối để đạt được mục tiêu khí hậu 2040.
Điều này sẽ mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển xuất khẩu tín chỉ carbon sang EU.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố mục tiêu khí hậu đến năm 2040, trong đó nổi bật là đề xuất giảm 90% lượng khí nhà kính ròng so với thời điểm năm 1990. Đây là bước ngoặt quan trọng để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh xu hướng chuyển đổi sang sản xuất xanh, EU được phép mua tín chỉ carbon từ các nước đang phát triển để đáp ứng một phần nghĩa vụ cắt giảm phát thải của mình. Theo đề xuất, tối đa 3 điểm phần trăm trong mục tiêu năm 2040 có thể được bù đắp bằng tín chỉ carbon quốc tế, được mua thông qua thị trường do Liên hợp quốc bảo trợ, bắt đầu hoạt động từ năm 2036.
EU sẽ ban hành luật mới để thiết lập các tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt và các quy tắc giám sát minh bạch đối với các tín chỉ carbon quốc tế này nhằm đảm bảo giải quyết các lo ngại trước đây về hiệu quả của các chương trình tín chỉ carbon.
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên khí hậu EU, nói rằng: “các nước đang phát triển rất muốn nhận được tài trợ từ EU thông qua tín chỉ carbon, cho các dự án như trồng cây hoặc phục hồi rừng, và có thể đảm bảo rằng các khoản đầu tư như vậy sẽ dẫn đến việc giảm phát thải thực sự thông qua hợp tác với các nước đang phát triển”.
Những người ủng hộ kế hoạch này cho rằng, cơ chế mua tín chỉ carbon bù trừ ngoại khối phù hợp với quy định của Liên hợp quốc, giúp xây dựng cầu nối với bạn bè, đối tác của EU trên toàn cầu, đồng thời tạo không gian phát triển cho các ngành công nghiệp châu Âu đang gặp khó khăn trong việc cắt giảm phát thải.
Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia tiên phong với cơ chế này, họ đặt mục tiêu mua bù trừ cho 100 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2030 và 200 triệu tấn vào năm 2040. Nhật Bản có mục tiêu giảm 46% lượng khí thải vào năm 2030 và 73% vào năm 2040 so với mức năm 2013.
Đầu năm 2024, Thụy Sĩ tài trợ cho xe buýt chạy bằng điện tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, và nhiều chính phủ tại châu Âu đã tài trợ các dự án trồng rừng, phủ xanh đồi trọc tại nhiều quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á để đổi lấy tín chỉ carbon đã phát thải.
Nghị định thư Kyoto năm 1997 và Thỏa thuận Paris năm 2015 là các hiệp định quốc tế đặt ra các mục tiêu phát thải CO2 quốc tế. Nhưng không phải quốc gia nào, khu vực nào cũng đủ điều kiện để tự chủ hoàn toàn trong chuỗi cung ứng giảm phát thải. Do vậy, thị trường tín chỉ carbon xuất hiện để đáp ứng nhu cầu.
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 51,5 triệu đô la Mỹ. Với hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có khoảng 10 triệu ha rừng tự nhiên, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm cho các tổ chức quốc tế.
Để giao dịch quốc tế, thị trường tín chỉ carbon nội địa cần hội đủ một số tiêu chuẩn. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, kiến nghị: “cần thiết lập cơ chế chứng nhận, đăng ký và lưu trữ carbon trên hệ thống dữ liệu quốc gia để đảm bảo tính xác thực và minh bạch thông tin. Từ đó, có thể giảm chi phí giao dịch và rủi ro về quyền sở hữu, khuyến khích đầu tư và giao dịch trên thị trường”.
Việt Nam đã có hơn 100 dự án được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế và khoảng 41 triệu tín chỉ carbon đang có sẵn từ các doanh nghiệp và tổ chức trên cả nước. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể bán tín chỉ carbon cho EU.
Do đó, sáng kiến của EU mua tín chỉ carbon từ các nước đang phát triển mang đến cơ hội không nhỏ cho Việt Nam, cụ thể là các lâm trường, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Nhưng trước mắt, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa sớm thị trường tín chỉ carbon.
Theo lộ trình, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn: Sau giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon. Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, khoảng 150 cơ sở phát thải lớn thuộc các ngành sắt thép, xi măng và nhiệt điện sẽ tham gia thị trường carbon. Toàn bộ hạn ngạch phát thải trong giai đoạn này sẽ được phân bổ miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm quen và thích ứng. Từ năm 2029, Việt Nam sẽ chính thức đưa thị trường carbon vào hoạt động trên toàn quốc.n