Chuyên đề

Rào cản của tín chỉ carbon: Từ tài sản vô hình đến tài sản bảo đảm

Diễm Ngọc thực hiện 10/05/2025 04:16

Tín chỉ carbon chưa thể trở thành tài sản bảo đảm tại Việt Nam do thiếu khung pháp lý rõ ràng, cơ chế định giá, quản lý rủi ro và hệ thống đăng ký minh bạch.

Đó là nhận định của TS. Phạm Đức Anh - Phó Trưởng phòng NCKH và tư vấn, Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.

TS.Phạm Đức Anh
TS. Phạm Đức Anh - Phó Trưởng phòng NCKH và tư vấn, Viện NCKH Ngân hàng, HVNH

- Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất hiện nay khiến tín chỉ carbon chưa được công nhận là tài sản bảo đảm trong hệ thống pháp luật Việt Nam?

Theo tôi, rào cản lớn nhất hiện nay đối với vấn đề này là sự thiếu vắng một khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng. Xem xét các văn bản pháp luật hiện hành, có thể thấy Bộ luật Dân sự 2015 và các nghị định hướng dẫn như Nghị định 21/2021/NĐ-CP chưa đưa tín chỉ carbon vào danh mục tài sản bảo đảm. Các văn bản này chỉ đề cập đến tài sản hiện hữu hoặc tài sản hình thành trong tương lai một cách chung chung mà không có quy định cụ thể về tín chỉ carbon.

Vấn đề này tạo ra khó khăn đáng kể cho các tổ chức tín dụng. Trong quá trình làm việc và tham vấn với nhiều ngân hàng, tôi nhận thấy họ thường đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý khi chấp nhận một loại tài sản chưa được định danh rõ ràng. Các ngân hàng cần có nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã đề cập đến tín chỉ carbon và thị trường carbon, nhưng còn thiếu các quy định chi tiết về phương thức thế chấp, định giá, lưu trữ và xử lý tài sản trong trường hợp phát sinh rủi ro. Đây là những vấn đề cốt lõi cần được giải quyết để các tổ chức tín dụng có thể đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả.

Một khó khăn khác là tính chất đặc thù của tín chỉ carbon - một loại tài sản vô hình có giá trị biến động theo thị trường quốc tế và quan hệ cung cầu. Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn định giá cụ thể, khiến các ngân hàng e ngại về rủi ro khi tiếp nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm.

Cuối cùng, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, thiếu sàn giao dịch chính thức và cơ chế giám sát minh bạch để đảm bảo tính thanh khoản và độ tin cậy. Đây là những điểm nghẽn cần được tháo gỡ trước khi tín chỉ carbon có thể được sử dụng phổ biến như một loại tài sản bảo đảm.

- Xin ông cho biết việc công nhận tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm sẽ mang lại lợi ích gì cho thị trường tài chính cũng như các doanh nghiệp có hoạt động giảm phát thải?

Tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Việc công nhận tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thị trường tài chính và doanh nghiệp.

Đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, đây là cơ hội để mở rộng và đa dạng hóa danh mục tài sản bảo đảm. Qua nghiên cứu thực trạng thị trường, tôi nhận thấy nhiều ngân hàng hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào các tài sản bảo đảm truyền thống như bất động sản - vốn đang đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý và biến động giá trị. Việc bổ sung tín chỉ carbon vào danh mục sẽ giúp các tổ chức tín dụng phân tán rủi ro hiệu quả hơn.

Xét về khía cạnh phát triển sản phẩm tài chính, việc chấp nhận tín chỉ carbon mở ra hướng đi mới trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Qua các buổi tham vấn với lãnh đạo nhiều ngân hàng, tôi nhận thấy họ có mối quan tâm lớn đến việc thiết kế các gói vay ưu đãi cho dự án giảm phát thải và năng lượng tái tạo, nhưng còn vướng mắc do thiếu cơ chế đánh giá và tài sản bảo đảm phù hợp. Tín chỉ carbon có thể trở thành công cụ then chốt để giải quyết vấn đề này.

Khi tín chỉ carbon được sử dụng làm tài sản bảo đảm, nhu cầu giao dịch sẽ gia tăng đáng kể, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon nội địa. Đây là yếu tố quan trọng, đặc biệt khi sàn giao dịch carbon chính thức dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần, giúp cải thiện tính thanh khoản và độ sâu của thị trường.

Về phía doanh nghiệp, lợi ích quan trọng nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Qua quá trình nghiên cứu và làm việc với nhiều doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhiều đơn vị có dự án giảm phát thải khả thi nhưng lại gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mà còn có thể giúp họ vay với lãi suất ưu đãi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững.

- Vậy điều kiện và tiêu chuẩn nào cần được xây dựng để tín chỉ carbon có thể được ngân hàng chấp nhận như một loại tài sản đảm bảo hợp lệ, thưa ông?

Để tín chỉ carbon (hay bất cứ một tài sản nào khác) có thể làm tài sản bảo đảm cho khoản vay ngân hàng, cần phải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tính pháp lý, khả năng chuyển nhượng, giá trị kinh tế và cơ chế quản lý rủi ro rõ ràng. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao chất lượng tín chỉ, xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý rủi ro hiệu quả là điều kiện cốt lõi, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn và thúc đẩy kinh tế xanh.

Ảnh màn hình 2025-05-09 lúc 17.33.05
Để tín chỉ carbon (hay bất cứ một tài sản nào khác) có thể làm tài sản bảo đảm cho khoản vay ngân hàng, cần phải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tính pháp lý

Trước hết, cần có khung pháp lý rõ ràng để công nhận tín chỉ carbon là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng và thế chấp. Hiện nay, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã định nghĩa tín chỉ carbon, nhưng không quy định rõ tính chất pháp lý của nó như một loại tài sản bảo đảm. Nghị định 06/2022/NĐ-CP đề cập đến sàn giao dịch tín chỉ carbon, nhưng chưa xác định quyền sở hữu hoặc khả năng thế chấp. Sự mơ hồ về bản chất pháp lý của tín chỉ carbon – liệu là quyền tài sản hay quyền hợp đồng – có thể cản trở việc áp dụng chúng làm tài sản bảo đảm, như đã từng xảy ra tại Hoa Kỳ hay Singapore, khi việc thiếu hướng dẫn pháp lý khiến ngân hàng ngần ngại chấp nhận tín chỉ carbon. Trong khi đó, Guangzhou Rural Commercial Bank (GRCB) ở Trung Quốc đã triển khai “Jinmi Carbon Credit Mortgage”, cho phép doanh nghiệp dùng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm nhờ khung pháp lý hỗ trợ. Việt Nam có thể hỏi từ EU Emissions Trading Scheme (EU ETS), nơi EU Allowances (quyền phát thải) được công nhận là tài sản tài chính, tạo điều kiện cho các ngân hàng chấp nhận chúng trong các giao dịch vay vốn.

Thứ hai, tín chỉ carbon phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế uy tín và thẩm định độc lập, như Verified Carbon Standard (VCS) hoặc Gold Standard, để đảm bảo chất lượng, giá trị kinh tế, cũng như tránh rủi ro từ tín chỉ kém chất lượng. Vụ gian lận thuế VAT trong EU ETS (2010), gây thiệt hại 5 tỷ euro, là minh chứng cho hậu quả của việc thiếu tiêu chuẩn chất lượng và kiểm soát chặt chẽ, khi các tín chỉ carbon bị lạm dụng trong các giao dịch không minh bạch. Tổ chức Fieldfisher (2023) cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng ở EU chỉ chấp nhận tín chỉ carbon đạt chuẩn, được xác minh bởi các cơ quan quản lý đáng tin cậy, để giảm thiểu rủi ro pháp lý và tài chính.

Thứ ba, hệ thống đăng ký tập trung là một điều kiện quan trọng để quản lý quyền sở hữu và quyền bảo đảm, giảm nguy cơ gian lận và tăng tính minh bạch. Vụ việc Enron Corporation (một tập đoàn năng lượng hàng đầu) là bài học điển hình, khi thiếu thông tin chi tiết về năm phát hành (vintage year) của tín chỉ SO2 trong tài liệu đăng ký, khiến chủ nợ mất khoảng 23 triệu USD vì không thể xác minh quyền sở hữu tín chỉ. Kinh nghiệm của một số tổ chức, như Ngân hàng Thương mại Nông thôn Quảng Châu (GRCB) sử dụng hệ thống đăng ký để xác minh tính hợp lệ của tín chỉ carbon, hay Cơ quan quản lý năng lượng sạch của Úc (CER) yêu cầu chứng chỉ carbon phải được đăng ký rõ ràng trên hệ thống của Clean Energy Regulator để được dùng làm tài sản bảo đảm, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Việt Nam có thể tích hợp chức năng này vào sàn giao dịch tín chỉ carbon dự kiến ra mắt năm 2025, theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP (Điều 8), để tăng cường tính bất biến và truy xuất nguồn gốc của thông tin.

Thứ tư, cần có cơ chế quản lý rủi ro liên quan đến biến động giá cả và nguy cơ thu hồi tín chỉ. Tín chỉ carbon có giá dao động từ 5-10 USD/tấn (theo CIX Singapore), và có thể bị cơ quan quản lý thu hồi, như trong vụ Tractebel (2003), khiến chủ nợ mất quyền bảo đảm. Do đó, các ngân hàng ở EU thường yêu cầu các hợp đồng vay vốn dựa trên tín chỉ carbon phải có điều khoản bảo vệ chống lại rủi ro thu hồi, chẳng hạn như yêu cầu bên vay duy trì bảo hiểm hoặc quỹ dự phòng. Padis (2011) đề xuất cơ chế “control,” trong đó ngân hàng phối hợp với cơ quan quản lý để kiểm soát quyền xử lý tín chỉ, tương tự cách GRCB yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tín chỉ hợp lệ trước khi cấp vay. Việt Nam cần xây dựng quỹ dự phòng tài chính để giảm rủi ro giá cả, đồng thời phát triển hệ thống đo lường, báo cáo, và thẩm định (MRV) minh bạch, như mô hình của Jordan, để đảm bảo dữ liệu phát thải đáng tin cậy. Quy định về MRV có thể được bổ sung vào Nghị định 06/2022/NĐ-CP, yêu cầu các dự án carbon phải báo cáo định kỳ và được kiểm tra bởi cơ quan độc lập, tăng độ tin cậy cho ngân hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rào cản của tín chỉ carbon: Từ tài sản vô hình đến tài sản bảo đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO