Tăng giá điện sẽ kéo theo chi phí, giá thành sản xuất tăng đặc biệt là các nhóm ngành dệt may, thủy sản, sản xuất công nghiệp…phải lên phương án tính lại bài toán sử dụng năng lượng.
>>Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch
Giải pháp sử dụng năng lượng sạch
Mới đây khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đã được điều chỉnh tăng thêm 220 – 537 đồng/kWh, sẽ là cơ sở tăng mức giá bán lẻ điện trong thời gian tới. Điều này đang khiến các doanh nghiệp sản xuất lo lắng, cân nhắc, tính toán lại kinh phí sản xuất để lên phương án cho bài toán sử dụng năng lượng sạch trong bối cảnh ảnh hưởng xu thế lạm phát trên toàn cầu.
Chia sẻ nỗi lo này, đại diện doanh nghiệp sản xuất thủy sản cho biết, mặc dù biết rằng giá điện tăng được xem là sự tất yếu nếu nhìn từ góc độ thị trường, khi giá cả các mặt hàng đều tăng, giá đầu vào sản xuất điện tăng mạnh thời gian qua. Nhưng, với doanh nghiệp sản xuất, tăng chi phí sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, đồng thời là nguyên nhân khiến sản phẩm chịu áp lực cạnh tranh. Vì vậy, với các doanh nghiệp hiện nay, không chỉ cắt giảm các khâu không cần thiết mà còn chủ động thực hiện các giải pháp để tiết giảm chi phí năng lượng.
Còn đối với ngành may mặc, đại diện Tổng Công ty May 10 (TCT May 10) cho biết, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Là một ngành đặc thù phải sử dụng nhiều năng lượng điện, cũng giống với các doanh nghiệp cùng ngành khác, chi phí về năng lượng điện tại May 10 chiếm khoảng 60-70% trên tổng số các năng lượng khác như, dầu và than. Mà hiện nay, so với mức giá bình quân cũ theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg, khung giá bán lẻ điện mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh, khiến khung giá bán lẻ điện tối thiểu tăng khoảng 13,7%; ở mức tăng tối đa, khung giá bán lẻ điện mới tăng đến 28,2%. Ước tính với giá bán lẻ bình quân mới, thì mức giá điện sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ tăng hơn 3% đến 5%, thậm chí cao hơn.
Trước thông tin này, đại diện TCT May 10 cho rằng, nếu không có sự điều tiết của Nhà nước sẽ gây sốc cho nền kinh tế nói chung và May 10 nói riêng vì giá điện tăng, từ đó sẽ tác động đến giá hàng hóa, chi phí sản xuất tăng nhanh, dẫn tới giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm tiền điện tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm, người dân phải thắt lưng buộc bụng dẫn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp may gặp rất nhiều khó khăn.
“Do đó cộng đồng các doanh nghiệp chúng tôi rất mong muốn, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Có những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện; lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát ” - đại diện TCT May 10 kiến nghị.
>>ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ: 4 kiến nghị phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp tự sử dụng
>>Điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí
>>Sử dụng điện mặt trời mái nhà: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Năng lượng mặt trời đáp ứng được nhu cầu năng lượng
Bày tỏ về vấn đề năng lượng và bài toán kinh tế, lãnh đạo TCT May 10 bày tỏ, trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, TCT May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời. Do đó, thời gian qua Tổng Công ty May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam để triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên triển khai là nhà xưởng xuất khẩu may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá… giảm khí thải cacbon và phát triển bền vững.
Trước đó, ngày 12/12/2022, Sở Công Thương Hà Nội, Ban chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố đã tổ chức lễ trao 55 danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh Hà Nội năm 2022. Tổng Công ty May 10 vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu đơn vị 5 sao "Năng lượng xanh 2022" - danh hiệu cao nhất nhờ nhiều hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
“Toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng về “xanh hóa sản xuất”. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ và tiêu chuẩn mới, May 10 cũng đang xây dựng lộ trình Xanh hóa theo chiến lược đề ra. Hiện nay, riêng với chương trình “xanh hoá”, một mặt doanh nghiệp luôn phải tiến đến những xu thế mới của thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…”, đại diện TCT May 10 chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà
04:30, 11/12/2022
TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà
03:00, 25/11/2022
Điều kiện phòng cháy chữa cháy cho điện mặt trời mái nhà
15:00, 18/07/2022
Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch
11:00, 05/07/2022
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ: 7 vướng mắc đang hiện diện
16:23, 22/06/2022