Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc nhận diện, ngăn chặn kinh doanh đa cấp bất chính thì nhất thiết phải bảo vệ và tạo hành lang thông thoáng cho kinh doanh đa cấp chân chính phát triển.
>>Cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính
Khó nhận diện đa cấp bất chính.
Bà Hoàng Thị Thu Trang – Chuyên viên Ban Quản lý hoạt động Kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết: Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải xin giấy phép hoạt động do Bộ Công Thương cấp. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa được Bộ Công Thương cấp phép đều được coi là hoạt động bất hợp pháp.
Bà Trang cũng cho biết, hiện chỉ có đúng 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động và danh tính của 20 doanh nghiệp này luôn được niêm yết công khai tại Cổng thông tin của Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia và trên Website của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam.
Ông Tô Đức Nhật – đại diện một doanh nghiệp đa cấp chia sẻ: Hiện nay, ngay cả những quy định thế nào là đa cấp và thế nào ko phải là đa cấp vẫn còn đang rất mập mờ và rất ít người biết, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. “Hiện cứ chỗ nào mua bán đông người, lừa đảo, gây mất trật tự an ninh xã hội, giới thiệu, mời chào mua bán sản phẩm người ta đều cho rằng đấy là bán hàng đa cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân mà thời gian qua đa cấp chân chính cũng bị tai tiếng và người dân cũng như dư luận tẩy chay ”, ông Nhật ngậm ngùi.
Đồng tình với ý kiến của ông Nhật, ông Phạm Minh Tuân – Trưởng Phòng Nghiệp vụ 3 - Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cũng cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán hàng đa cấp còn rất yếu và thiếu nên ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật đôi khi cũng rất lúng túng. Khi nhận được tin báo thì việc xác định đây có phải là hoạt động bán hàng đa cấp hay không hoặc doanh nghiệp tổ chức giới thiêu sản phẩm và bán hang có được cấp giấy phép hoạt dộng kinh doanh đa cấp hay không cũng trở nên hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Phương Sơn – Trưởng Ban Truyền thông, Đối ngoại Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam khẳng định, hiện nay tại các địa phương một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp muốn hỏi thông tin hay giải đáp thắc mắc xung quanh hoạt động của mình là điều bất khả thi bởi không có bất cứ cơ quan đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm làm đầu mối giải đáp thắc mắc. Ngay cả Sở Công Thương, đơn vị ngành dọc được giao quản lý giám sát các hoạt động kinh doanh đa cấp cũng không có người hay bộ phận nào được phân công trả lời thắc mắc của doanh nghiệp. Ngay cả khi các doanh nghiệp bị phạt thì việc trình bày, bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình cũng rất khó khăn.
>>Số hoá hệ thống xây dựng kinh doanh theo phương thức đa cấp văn minh
Đứng dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Trí Long khẳng định: Muốn nhận diện, ngăn chặn và đẩy lùi kinh doanh đa cấp bất chính để có một môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, minh bạch thì không chỉ doanh nghiệp minh bạch rõ ràng mà trước hết cơ quan quản lý cũng cần phải rõ ràng, minh bạch. Vai trò tuyên truyền, định hướng, phát hiện và xử lý của cơ quan quản lý và thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu mọi người dân được tuyên truyền, hướng dẫn để có kiến thức và nhận biết tốt về hoạt dộng kinh doanh đa cấp thì lo gì chúng ta không đẩy lùi được đa cấp bất chính.
Cần tạo điều kiện cho đa cấp chân chính.
Nhận xét về tình hình kiinh doanh theo phương thức đa cấp thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cần thiết và cấp bách hiện nay là nhận diện, ngăn chặn và loại bỏ đa cấp bất chính, đa cấp trái pháp luật thì một việc vô cùng quan trọng đó chính là tìm ra nguyên nhân, giải pháp để đa cấp chân chính, đa cấp đúng pháp luật đươc phát triển lành mạnh trong một môi trường kinh doanh bình đẳng và đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Ban Kinh tế TW khẳng định: Kinh doanh đa cấp đúng nghĩa, tuân thủ pháp luật là tốt, là điều đáng khích lệ bới ngành này tạo công ăn việc làm và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để khích lệ động viên thì trước tiên chúng ta cần tạo ra một hành lang thông thoáng, phù hợp để các doanh nghiệp đa cấp phát triển,
Bà Tạ Dịu Thương – Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bán hang đa cấp cho biết: Một vấn đề được hầu hết các thành viên của Hiệp hội Bán hàng đa cấp nêu ra gần đây đó là tại sao khi đã được cơ quan Trung ương là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động, nhưng khi các doanh nghiệp đến các tỉnh khác thì lại phải đăng ký, xin phép từng địa phương một. Điều mà các doanh nghiệp bức xúc nhất đó chính là mỗi địa phương hiểu một kiểu và có quy định riêng nên gây rất nhiều phiền hà tốn kém cho doanh nghiệp. Thậm chí có nhiều trường hợp xin phép tỉnh này thì cho, tỉnh kia lại không cho, thậm chí trong cùng một tỉnh thì cơ quan này đồng tình, cơ quan kia lại phản đối.
Nêu quan điểm về việc này, ông Phạm Văn Hùng – Thành viên Ban pháp chế VCCI cho rằng một ngành hay lĩnh vực quản lý nếu cơ quan trung ương đã cho phép thì không nên "đẻ" ra thêm giấy phép từ địa phương, chúng ta nên quản lý bằng hậu kiểm tức là cơ quan cấp địa phương chỉ nên kiểm tra, giám sát nếu thấy sai thì xử phạt. “Chứng minh cho thấy việc đẻ ra giấy phép con không làm cải thiện tính tuân thủ pháp luật mà đôi khi nó gây cản trở, phiền hà và tăng chi phí cho các doanh nghiệp tuân thủ. Bên cạnh đó nó còn làm phát sinh thêm chi phí không chính thức bởi cơ chế xin cho dẫn đến làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Hùng dẫn chứng.
Một số doanh nghiệp nêu thực trạng là hiện quy định về kinh doanh đa cấp có yêu cầu các doanh nghiệp bắt buộc phải có trụ sở và người đại diện ở các địa phương mà doanh nghiệp đó có hoạt động. Các doanh nghiệp cho rằng điều này là không cần thiết bởi nó sẽ gây bất lợi khi doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn hàng tháng để duy trì mà tác dụng của nó gần như bằng không.
Các doanh nghiệp cho rằng công ty nào cũng có trụ sở chính, một số có các chi nhánh tại các thành phố lớn nên việc duy trì các văn phòng đại diện khác là không cần thiết. Mọi giao dịch, mua bán có thể diễn ra ở bất cứ đâu và các giao dịch đều là giao dịch dân sự được pháp luật bảo vệ.
Ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đề nghị Nhà nước cần sớm chính thức công nhận giao dịch Hợp đồng điện tử trong bán hàng đa cấp bởi nó sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc thậm chí là công sức khi cứ phải gặp gỡ chinh thức để ký Hợp đồng. “Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép hiện nay đều có hạ tầng thông tin rất tốt, là những doanh nghiệp đi dầu trong chuyển đổi số nên việc đó là rất dễ dàng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Một bức xúc nữa mà các doanh nghiệp nêu ra đó là quy định cấm công chức, viên chức Nhà nước tham gia bán hàng đa cấp. Về điều này các doanh nghiệp đồng tình, tuy nhiên đã có một số trường hợp xảy ra doanh nghiệp bị phạt rất nặng. Các doanh nghiệp cho rằng đơn vị không thể biết ai là công chức, ai là viên chức tham gia kinh doanh đa cấp nếu người tham gia cố tình giấu. Hiện việc nhờ các cơ quan xác minh xem ai là công chức hay viên chức cũng không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp đề nghị nếu phát hiện thì người bị phạt sẽ là người vi phạm và cố tinh lừa dối tức là công chức viên chức tham gia chứ sao lại đè doanh nghiệp đa cấp ra mà phạt?.
Còn khá nhiều khó khăn bất cập mà các doanh nghiệp đa cấp nêu ra và mong được tháo gỡ như việc người đại diện địa phương phải có trình độ về bán hàng đa cấp và phải qua sát hạch hay chuyện khống chế trần tỷ lệ hang bán trong khi tự doanh nghiệp không thể xác định được việc liên quan đến người khác. Hy vọng thời gian tới nếu Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ để ban hành những chính sách phù hợp thì tin rằng thị trường kinh doanh theo phương thức đa cấp sẽ phát triển một cách lành mạnh. Đây cũng chính là tác động để nhận diện, ngăn chặn và đẩy lùi "đa cấp bất chính".
Có thể bạn quan tâm
Số hoá hệ thống xây dựng kinh doanh theo phương thức đa cấp văn minh
17:00, 05/01/2024
Cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính
14:57, 05/01/2024
05/01: Diễn đàn: Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững
09:13, 02/01/2024
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài cuối: Hoàn tất hồ sơ để khởi tố CEO Công ty Nhật Nam
10:00, 07/09/2023
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 2: Hoạt động đa cấp núp bóng “thần dược”
03:20, 21/07/2023
Chặn “biến tướng” kinh doanh đa cấp
00:30, 10/06/2023