Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính…
>> Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững
Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam giải pháp phát triển minh bạch và bền vững” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 05/01/2024.
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, kinh doanh theo phương thức đa cấp lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 1920 tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, phải mãi đến cuối năm 1979, Toà án thương mại Liên Bang Hoa Kỳ mới chính thức công nhận phương pháp kinh doanh mới này, và từ đó Bộ luật đầu tiên về kinh doanh đa cấp đã ra đời tại Mỹ.
Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường từ những năm đầu thế kỷ XXI. Đến thời điểm cuối năm 2004, đã có khoảng 20 công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
“Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về kinh doanh đa cấp đã dần được hình thành”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
>> Chặn “biến tướng” kinh doanh đa cấp
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, ngày 14/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ban hành Nghị Định 42/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động bán hàng đa cấp và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp…
Sau khi chính sách được ban hành, theo thống kê của Bộ Công Thương, tại thời điểm cuối năm 2015, cả nước có 42 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp Giấy phép hoạt động. Tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 452 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo một chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia.
Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã buộc phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.
“Có thể khẳng định, mặc dù được pháp luật công nhận nhưng do một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chụp giật, lừa đảo, gây nên sự mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh đa cấp và các doanh nghiệp chân chính, dẫn đến tình hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, ngày 12/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cùng các Bộ ngành liên quan, về cơ bản hoạt động bán hàng đa cấp những năm qua đã đi vào ổn định, hiệu quả.
Theo đó, năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép là 19.105 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2020 và tăng 52% so với năm 2019); năm 2022 doanh thu của các thành viên thuộc Hiệp hội đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, (tăng hơn 10% so với năm 2021), nộp ngân sách Nhà nước trên 2.400 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, hoạt động bán hàng đa cấp đã dần di vào ổn định và hiệu quả, số lượng các vụ việc vi phạm đã được giảm đáng kể, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
“Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phản đối những hoạt động kinh doanh trái phép, những hành vi lừa đảo chụp giật hòng lừa dối người tiêu dùng. VCCI luôn đề cao việc kinh doanh lành mạnh, có văn hóa và thượng tôn pháp luật… Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
05/01: Diễn đàn: Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững
09:13, 02/01/2024
Chặn “biến tướng” kinh doanh đa cấp
00:30, 10/06/2023
Kinh doanh đa cấp: Hệ lụy xấu vì những biến tướng!
04:00, 15/05/2023
Bộ Công Thương: Thắt chặt kinh doanh đa cấp không phép
11:47, 27/08/2021
Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp: Một số quy định chưa phù hợp
03:30, 11/08/2021