Tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) luôn được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên những năm qua có đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ. Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên đạt top 10 toàn quốc.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) luôn được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động KHCN của tỉnh tiếp tục phát triển đúng định hướng và đi vào chiều sâu. Cùng với đó, là sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu cho KHCN..
Khoa học công nghệ kết nối doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị trong đẩy mạnh khoa học công nghệ, nhất là quá trình chuyển đổi số vào trong từng lĩnh vực của đời sống; hội tụ của các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Thái Nguyên, cũng như sự mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tham mưu các buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh kết nối, tìm kiếm thông tin công nghệ trong và ngoài nước có khả thi triển khai vào tỉnh Thái Nguyên.
Phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ xây dựng điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hỗ trợ, thúc đẩy việc liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KHCN trong việc tìm kiếm, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, hình thành và phát triển 01 tổ chức trung gian của thị trường KHCN;
Tổ chức buổi làm việc với các đại diện KHCN Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ ở nước ngoài để tìm kiếm thông tin công nghệ từ các quốc gia trên thế giới có khả thi triển khai vào tỉnh Thái Nguyên.
Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan đầu ngành về KHCN như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội;….để đưa những kết quả nghiên cứu, công nghệ mới tiến tiến đến với cộng đồng doanh nghiệp, người dân của tỉnh.
Ngoài ra, Sở thường xuyên hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, kết nối cung cầu, tư vấn, chuyển giao về công nghệ. Phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Thái Nguyên thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, quỹ phát triển KHCN của tỉnh triển khai tại địa phương. Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về các lĩnh vực khoa học công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ,… với trên 1000 lượt người tham gia.
Nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ được phê duyệt và triển khai phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Dự án xây dựng hệ thống ảo hoá đám mây phục vụ lưu trữ dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Nguyên; Nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên”,... Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KHCN tại doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 07 doanh nghiệp KHCN.
Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN; Tăng cường tổ chức các hội nghị 3 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên có nhiều tiềm lực để phát triển nhanh và mạnh hơn về khoa học công nghệ. Hiện nay, tỉnh có 36 tổ chức KHCN thuộc các lĩnh vực. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống tổ chức khoa học công nghệ do các cơ quan Trung ương thành lập. Tỉnh đang dần hình thành khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Giai đoạn 2023 - 2024, tỉnh đã dành trên 66,3 tỷ đồng cho sự nghiệp KHCN chiếm 0,17% tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh. Bình quân giai đoạn 2021 - 2022, tốc độ tăng TFP là 3,8%/năm, tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 50,4%. Trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thì khâu đột phá đó là lấy KHCN làm trung tâm và là mũi nhọn.
Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng kịp thời các cơ chế chính sách, cụ thể hóa quy định về hoạt động KHCN của Trung ương cho sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Có thể khẳng định, ngành KHCN Thái Nguyên đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các khâu đột phá, giải quyết những vấn đề trọng tâm của tỉnh. Để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, làm sao để ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn của địa phương. Thái Nguyên tích cực xây dựng thành công Dự án Trại thực nghiệm của Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ. Để khoa học công nghệ thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.