Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt sau khi Vương quốc Anh công bố tìm ra biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đang đẩy nhanh việc tiêm vắc xin trên diện rộng.
Đáng chú ý, sau khi Anh xác nhận biến thể của virus corona có tốc độ lây lan nhanh chóng, hai hãng dược Mỹ Moderna và Pfizer đang thử nghiệm các vắc xin COVID-19 với chủng virus corona biến thể mới để xem xét hiệu quả phòng ngừa.
Đại diện hãng Pfizer cũng cho biết, công ty này đang xây dựng dữ liệu về việc các mẫu máu của những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 của họ có thể trung hòa chủng virus biến thể mới ở Anh hiệu quả ra sao.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy chủng đột biến mới này gây triệu chứng mới trên người bệnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu từ phòng thí nghiệm cho thấy, chuỗi protein trên biến chủng mới tương đương tới 99% với chủng cũ.
Do vậy, khả năng vắc xin hiện nay vẫn cho hiệu quả cao. Các chuyên gia cũng kì vọng, việc nhanh chóng nghiên cứu phản ứng của virus với vắc xin sẽ giúp ngăn chặn sớm sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Có thể thấy, dù quá trình phát triển và thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 mới được diễn ra trong vài tháng, tuy nhiên, các nước đã buộc phải đẩy mạnh việc tiêm chủng ngoài cộng đồng để tránh một đợt dịch mới bùng nổ.
Là tâm dịch COVID-19 hiện nay, Mỹ đã có thỏa thuận mua thêm 100 triệu liều vắc xin từ hãng dược Pfizer và chúng đang được triển khai trên toàn quốc sau khi loại vắc xin của hãng này được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 12.
Thỏa thuận mới đã nâng tổng số liều vắc xin Pfizer-BioNTech Mỹ mua lên 200 triệu, đủ để tiêm chủng cho 100 triệu người. Tính đến thời điểm hiện tại, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hơn 600.000 người Mỹ đã được tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên.
Tương tự, Thụy Sĩ cũng đã phê duyệt vắc xin Pfizer-BioNTech cuối tuần qua để chính thức phân phối đến người dân trong số 26 bang của quốc gia này. Ngoài ra, Serbia, khối Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc… cũng đã lên kế hoạch triển khai mở rộng chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, tất cả các vắc xin chống COVID-19 đang cấp ra thị trường hiện nay đều được phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp, tức là còn dữ liệu chưa đầy đủ. Các nước cần lưu ý đến các trường hợp biến chứng trong quá trình thử nghiệm để hạn chế việc tiêm vắc xin tràn lan trong cộng đồng.
Mặt khác, như Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St.Andrews ở Scotland và cố vấn khoa học cho chính phủ Anh phân tích, như với bất kỳ loại vắc xin khác, việc phát triển một loại vắc xin an toàn và hiệu quả chỉ là một phần của câu chuyện. Dù vắc xin có hiệu quả đến đâu, nếu một người không muốn hoặc không thể tiêm vắc xin, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và bùng nổ trên diện rộng.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, sự do dự của con người với việc tiêm vắc xin phòng bệnh ngày càng tăng. Một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 9/2020 tại Mỹ cho thấy chỉ có khoảng một nửa số người được hỏi chắc chắn hoặc có thể sẵn sàng tiêm vắc xin.
Điều này cũng đang diễn ra với vắc xin chống COVID-19 khi nhiều người dân Singapore và Trung Quốc không muốn tiêm vì lo ngại tác dụng phụ, nhất là khi trong bối cảnh quốc gia họ đang khống chế được dịch bệnh.
Cùng với đó, khả năng tiếp cận vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia cũng là một trong những rào cản trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Các tổ chức y tế thế giới đã lên tiếng cảnh báo rằng 90% người dân ở 67 quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp sẽ không được tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 trong năm 2021.
Chính vì vậy, Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson đánh giá, các quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới cần xây dựng cơ chế hợp tác phòng chống COVID-19 để cùng đồng hành, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ nghiên cứu , phân bổ vắc xin một cách đồng đều để đạt được hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp khác như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người.
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin COVID-19 hiện hành có tác dụng với biến thể virus ở Anh?
11:16, 22/12/2020
Tinh thần Việt Nam nhìn từ việc tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19
05:00, 22/12/2020
Thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam: Có thể đẩy nhanh tiến độ!
11:00, 21/12/2020
Vắc xin COVID-19 thứ hai được cấp phép ở Mỹ: Bảo quản dễ, di chuyển rộng!
08:30, 20/12/2020